Tại đây, công dân Trần Thanh Quyết đã có ý kiến với chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.

Theo ông Quyết, ngày 7/3/2022, Chính phủ đã thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân và giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tiếp công dân Trần Thanh Quyết. Ảnh: T.A

Tuy nhiên, công dân cho rằng chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân có một số trục trặc. Dẫn chứng như dự thảo Nghị định chưa giải quyết được một phần hoặc toàn bộ các vấn đề bao gồm: Định nghĩa tường minh khái niệm dữ liệu cá nhân và đồng bộ với khái niệm thông tin cá nhân, đồng thời hài hòa với hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế; Dữ liệu cá nhân là tài sản được pháp luật bảo vệ; Lộ trình áp dụng và các điều kiện ngoại lệ về xử lý dữ liệu cá nhân…

Bên cạnh đó, chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số dựa trên việc giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong phát triển kinh tế số và xã hội số và dựa trên sự hoàn thiện của Chính phủ số để điều tiết, hài hòa cả 3 trụ cột. Tuy vậy, nếu chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân như hiện nay có thể khiến những mâu thuẫn cơ bản giữa kinh tế số và xã hội số khó được giải quyết, như cân bằng đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền riêng tư, quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ chủ quyền số quốc gia và hội nhập quốc tế; quản lý rủi ro khi chuyển doanh nghiệp và người dân lên môi trường số.

Công dân Trần Thanh Quyết cũng cho hay, muốn chuyển đổi số thành công, Nhà nước phải để thị trường và xã hội giữ vai trò lớn hơn và sử dụng nguồn lực dồi dào từ những khu vực này, dưới sự giám sát của Nhà nước, đặc biệt trong việc đưa người dân lên các nền tảng số và xây dựng hệ thống giám sát online hiệu quả. 

Công dân đề xuất đến Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là việc xây dựng mô hình thực thi chính sách từ dưới lên với trung tâm là tổ chuyển đổi số cộng đồng để thực thi hiệu quả chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Lắng nghe các đề xuất của ông Trần Thanh Quyết, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn ý kiến tâm huyết đóng góp cho sự phát của đất nước.

Bộ trưởng cho biết, dự thảo đã được Bộ Công an soạn xong, cân bằng giữa bảo vệ dữ liệu cá nhân với phát triển kinh tế số. Theo Bộ trưởng, tư tưởng thì chắc không chỉ riêng Việt Nam mà quốc gia nào cũng vậy, nếu chặt quá thì không có dữ liệu, không có đất đai, không khai phá để tạo ra giá trị được, nhưng nhiều lại xâm hại đến tự do cá nhân, quyền riêng tư cá nhân.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại cuộc tiếp công dân. Ảnh: T.A

Bộ trưởng cho hay, thách thức lớn nhất là trên môi trường số, phát triển hay không phát triển cũng là không gian số. Hiện nay đất nước muốn phát triển thì thể chế cần mở hơn.

“Chuyển đổi số đi từ dân lên, công nghệ thông tin đi từ quan xuống” - Bộ trưởng nói và cho biết, hiện nay có một số tỉnh đưa vào vận hành tổ công nghệ số cộng đồng. Tại cuộc họp Ủy ban chuyển đổi số quốc gia sáng nay, Thủ tướng nhấn mạnh một trong những giải pháp năm 2022 là hình thành tổ công nghệ số ở thôn, xóm nhằm giúp đỡ người dân tới tận nơi. Hết quý 2 cơ bản các địa phương sẽ có tổ này ở thôn, xóm.

Kinh tế số thì nguồn nguyên liệu là dữ liệu. Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân co lại thì kinh tế số sẽ phát triển kém đi, kinh tế số được coi là cấu thành quan trọng của kinh tế đất nước. Khi làm luật khó nhất là ra định nghĩa tường minh, định nghĩa lờ mờ thì toàn bộ điều khoản lờ mờ, định nghĩa tường minh thì rất dễ làm.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đã liên quan chuyển đổi số, di chuyển xã hội lên môi trường mới, thì khi tham vấn cần tham vấn tất cả những người liên quan, không chỉ doanh nghiệp, hiệp hội mà cả người dân, các tổ chức khác.

Cũng theo Bộ trưởng, Nhà nước mạnh thì thị trường mạnh, nếu lệch sẽ không đảm bảo, vì vậy phải có sự cân bằng.

Trần Hải

Thủ tướng: Cần có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi sốThủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và cần có tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số. Đồng thời, yêu cầu ưu tiên cho chuyển đổi số để tạo động lực phát triển nhưng phải có lộ trình, mục tiêu và an toàn, bền vững.