Theo đánh giá, thời gian qua, việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng về việc phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đạt nhiều kết quả tích cực nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập trong thực tiễn. Một trong những “điểm nghẽn” quan trọng cần tập trung tháo gỡ là vấn đề chia sẻ dữ liệu. Thực tiễn cho thấy, người dân vẫn phải khai báo, cung cấp dữ liệu nhiều lần khi thực hiện thủ tục hành chính.
Chính phủ yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia hướng tới chính phủ số (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số và kinh phí chi cho hoạt động ứng dụng CNTT cũng chưa thực sự được quan tâm.
Để tiếp tục phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ.
Cụ thể, phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân việc tăng cường quản lý đầu tư bảo đảm hiệu quả, an toàn thông tin. Trước tháng 6, triển khai Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) thiết thực, hiệu quả, bền vững.
Phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây; ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp.
Triển khai hoặc thí điểm triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, tỉnh. Từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Hoàn thành việc này vào tháng 12/2022.
Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT chuẩn bị hạ tầng để kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trước hết là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, giáo dục và an sinh xã hội theo tiến độ được giao.
Định kỳ hàng năm thực hiện đo lường, đánh giá, công bố xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số đối với các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT tham mưu cho Chính phủ danh sách nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm tiếp theo để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số, cải thiện xếp hạng quốc gia.
Điều phối, giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Có giải pháp khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ chữ ký số từ xa để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Bộ TT&TT sẽ đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số định kỳ. Ảnh minh họa |
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT rà soát tình hình sử dụng ngân sách nhà nước cho Chính phủ số, CNTT, chuyển đổi số, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và kiến nghị, đề xuất định hướng lớn về phân bổ kinh phí trong năm tiếp theo.
Bộ TT&TT chủ trì tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho tối thiểu 10.000 cán bộ chuyển đổi số ngay trong năm 2022 để giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn lực phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số. Thúc đẩy đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số.
Đẩy mạnh việc phát triển và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trong nước sản xuất thông qua Chương trình sản phẩm và dịch vụ CNTT Make in Viet Nam, tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Bộ TT&TT triển khai thí điểm trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất nhân rộng. Định kỳ hàng năm đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số đối tại các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính theo hướng ứng dụng công nghệ số.
Duy Vũ