Tại cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 sáng 2/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tỏ rõ sự sốt ruột: “Các địa phương phải tăng tốc độ tiêm vắc xin lên. Chậm quá! Có tỉnh để vắc xin tại kho trung ương, không đến lấy, không tiêm. Có nơi thì tiêm quá thận trọng, chỉ tiêm ở bệnh viện thì sao tiêm hết được”.
Để chấn chỉnh, ông Long cho biết vừa ký văn bản đề nghị tất cả các địa phương tăng tốc độ tiêm chủng, không giới hạn điểm tiêm, số lượng tiêm mỗi buổi. Những nơi thiếu nhà có thể dựng bạt, miễn đảm bảo khoảng cách, có ghế ngồi.
Thời gian chờ đợi sau tiêm cũng sẽ do địa phương quyết định, không cứng nhắc để phù hợp tình hình thực tế.
“Giờ phải tiêm nhanh nhất có thể. Tháng 8-9 vắc xin về còn ít nhưng từ tháng 10 đến tháng 12, riêng Pfizer chúng ta có thêm 47-50 triệu liều, chưa kể lượng lớn vắc xin khác. Đây là điều chúng tôi thực sự lo lắng”, Bộ trưởng Y tế trăn trở.
TP.HCM là địa phương đầu tiên rút ngắn quy trình tiêm chủng, thời gian theo dõi sau tiêm để đẩy nhanh độ phủ vắc xin. Ảnh: Thanh Tùng
Ông Long đánh giá, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều buổi tập huấn tiêm chủng, trung ương đã lo toàn bộ bơm kim tiêm, bơm tiêm pha trộn… song đến nay tốc độ vẫn chậm và các địa phương vẫn còn tiêm dè dặt.
“Có cán bộ y tế còn sợ tiêm, vậy làm sao tiêm chiến dịch được”, ông Long lo lắng.
Để đẩy nhanh tốc độ, cần phải huy động tổng lực, sàng lọc trước cho người đến tiêm và có vắc xin gì tiêm vắc xin ấy, không chờ đợi, lấy đó làm kinh nghiệm triển khai các đợt tiếp. Thậm chí các vùng phong toả càng phải tiêm nhanh.
“Không nên lựa chọn vắc xin, có vắc xin nào thì tiêm vắc xin đó. Tất cả vắc xin Bộ Y tế cấp phép sử dụng đều đã được WHO cấp phép và các nước khác cũng sử dụng, không phải vắc xin này tiêm cho nhóm này, vắc xin kia tiêm cho nhóm kia”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn người tiêm mũi 1 AstraZeneca có thể tiêm mũi 2 Pfizer và ngược lại. Tuy nhiên Moderna chưa được áp dụng do nhà tài trợ, cơ quan cung ứng không đồng ý trộn. Với vắc xin Sinopharm, Sputnik V cũng chưa có hướng dẫn.
Ông Long cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương rà lại hệ thống kho lạnh bảo quản vắc xin từ 2-8 độ C.
“Nhiều địa phương không đủ tủ để chứa vắc xin. Chúng tôi đã cung cấp số vắc xin dự kiến từ giờ đến cuối năm để các tỉnh tính toán, chuẩn bị kho lạnh, xem cần nâng cấp hay không để có phương án, tránh tình trạng vắc xin về không có chỗ trữ”, Bộ trưởng nói.
Sắp tới, các bệnh viện tuyến trung ương chỉ tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19 để dồn nhân lực cho phòng chống dịch tại các tỉnh phía Nam.
Hiện cả nước đã tiêm được hơn 6,4 triệu liều vắc xin trên tổng số gần 16 triệu liều vắc xin hiện có từ các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm và Sputnik V.
Trong đó TP.HCM có độ phủ vắc xin lớn nhất nước với 22,15% dân số đã được tiêm mũi 1; Hà Nội xếp thứ 2 với trên 19%, kế đó là Quảng Ninh, Bắc Ninh hơn 18%. Thấp nhất là Thanh Hoá mới tiêm được hơn 3,7%, Nghệ An 4,58%.
Thúy Hạnh (Theo VietNamNet)
Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
- (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
- (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
- (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).