Ngày 29/11, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ năm 2024.

Nhận ủy quyền của lãnh đạo Bộ TT&TT, ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ TT&TT chủ trì hội nghị. Tham dự tập huấn, ngoài các cán Bộ trực tiếp làm công tác thủ tục hành chính, còn có đại diện doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Hội nghị được tổ chức nhằm trao đổi một số nội dung, bao gồm nhìn lại kết quả Bộ TT&TT đã làm được trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong năm 2024, kế hoạch công tác năm 2025; xem xét, đánh giá kết quả tình hình thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.

Theo ông Nguyễn Minh Thắng, kiểm soát thủ tục hành chính bảo đảm tính khả thi của thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu công khai, minh bạch. Kiểm soát thủ tục hành chính hiệu quả sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, không để sơ hở trong công tác quản lý hành chính nhà nước.

Thông qua kiểm soát thủ tục hành chính, mọi thủ tục được công khai sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh tình trạng quy định tùy tiện, thiếu minh bạch trong việc ban hành thủ tục hành chính tại nhiều cơ quan quản lý nhà nước.

Kiểm soát thủ tục hành chính là một nội dung quan trọng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và lãnh đạo Bộ TT&TT đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực, trọng tâm để nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước, kiểm soát thủ tục hành chính cũng như thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và đạt được nhiều kết quả tích cực.

37c3fb11ae7d14234d6c.jpg
Ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ TT&TT, phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ năm 2024. Ảnh: Du Lam

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, năm 2023, Bộ TT&TT xếp hạng 9/17 Bộ, ngành với điểm số 85,83 điểm về chỉ số cải cách hành chính; năm 2024, xếp hạng 7/21 Bộ, ngành với 68,26 điểm, về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Văn phòng Chính phủ chỉ ra 6 điểm nghẽn của Bộ trong năm nay, bao gồm chỉ số công khai, minh bạch; tiến độ giải quyết hồ sơ TTHC; cung ứng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán trực tuyến; mức độ hài lòng; số hóa hổ sơ. Thẳng thắn nhìn nhận những điểm nghẽn này, Phó Chánh văn phòng Bộ đề nghị các đơn vị đặc biệt lưu ý để có phương án cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại và khắc phục.

Tại hội nghị, ông Phan Quốc Vinh, Phó Trưởng phòng Văn thư lưu trữ, Bộ TT&TT thông tin về các kết quả kiểm soát thủ tục hành chính và các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2024. Tính đến hết tháng 11/2024, Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 101/202 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, 48/68 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư.

Trong thời gian tới, ông đề nghị các đơn vị bố trí nguồn lực để nghiên cứu xây dựng chương trình, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ theo dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025 – 2030 của Văn phòng Chính phủ.

Liên quan đến rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội Bộ, Bộ TT&TT đã ban hành quyết định sớm hơn so với kế hoạch mà Chính phủ đề ra; rà soát, thống kê và công bố 100% thủ tục hành chính nội Bộ thuộc phạm vi quản lý.

Theo Văn phòng Bộ, xét hai nhóm thủ tục hành chính nhóm A và nhóm B, Bộ đều đạt cả hai chỉ tiêu về cắt giảm thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí, cao hơn yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đề ra là tối thiểu 20%. Đáng chú ý, Bộ đã hoàn thành chỉ tiêu cho cả giai đoạn 2022 – 2025 thay vì hai đợt trước ngày 1/1/2024 và trước ngày 1/1/2025.

Hội nghị cũng dành thời gian để đại diện các đơn vị thuộc bộ đã giải đáp và làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công, cung cấp thông tin và chia sẻ cơ sở dữ liệu từ các tổ chức, doanh nghiệp.

Trên cơ sở kết quả đạt được và những điểm nghẽn nêu trên, Bộ TT&TT mong muốn hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đóng góp ý kiến để Văn phòng bộ cũng như các cơ quan, đơn vị của bộ nhận diện, rút kinh nghiệm, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động.