Ngày 5/9, Bộ TT&TT gửi công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 3 đến Sở TT&TT các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, cùng các đơn vị thuộc Bộ và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông.

Theo đó, Bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong công điện của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/9 về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3. Công điện cũng nêu ra một số nhiệm vụ chung và cụ thể mà các đơn vị cần tập trung làm ngay.

bão số 3.png
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 15h ngày 5/9, vị trí tâm bão số 3 khoảng 19.3 độ Vĩ Bắc; 114.9 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 405km về phía Đông. Ảnh: KTTV.gov.vn

Đó là triển khai và thực hiện nghiêm chế độ trực lãnh đạo, trực ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trực ứng cứu thông tin 24/24; theo dõi sát tình hình diễn biến của bão tại các khu vực ven biển và mưa, lũ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc; báo cáo kịp thời tình hình hoạt động của mạng lưới và thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy, điều hành công tác phòng, chống bão, mưa, lũ và công tác tìm kiếm cứu nạn về Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ TT&TT.

Bộ TT&TT giao Cục Viễn thông là đầu mối tiếp nhận thông tin, tổng hợp tình hình diễn biến của bão, mưa lũ; tham mưu cho lãnh đạo Bộ các phương án chỉ đạo ứng phó kịp thời; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nhắn tin đến các thuê bao trong vùng ảnh hưởng của bão, mưa lũ khi có yêu cầu.

Giao Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo diễn biến của bão, chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ để chính quyền các cấp ở địa phương và người dân theo dõi, cập nhật thường xuyên. Trong đó, chú trọng các tin bài cảnh báo người dân về nguy cơ diễn ra mưa lũ sau bão và phòng chống dịch bệnh có thể phát sinh do lũ, ngập lụt.

Giao Sở TT&TT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố, các đài truyền thanh cơ sở cập nhật bản tin dự báo bão từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tăng thời lượng và tần suất phát bản tin dự báo bão, mưa lũ để thông báo kịp thời cho người dân chủ động phòng chống.

Sở TT&TT làm đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn cùng phối hợp triển khai đồng bộ các phương án ứng phó kịp thời và đáp ứng nhu cầu về thông tin liên lạc cho lãnh đạo. Tăng cường thông tin liên lạc tại các khu vực trọng điểm phòng chống thiên tai của tỉnh như các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ thủy điện, hồ thủy lợi xung yếu và các khu vực có thể bị ảnh hưởng của thiên tai.

Các doanh nghiệp viễn thông tập trung gia cố lại toàn bộ nhà trạm, cột cao, cột ăng-ten thuộc các hệ thống đài phát, đài thu vô tuyến, các hệ thống truyền dẫn và mạng ngoại vi có khả năng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ; bổ sung kịp thời các thiết bị dự phòng trên mạng lưới như thiết bị nguồn điện, máy nổ, nhiên liệu máy nổ, ắc quy cho các đơn vị trên địa bàn dự kiến nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ; sẵn sàng tổ chức nhắn tin cảnh báo bão, mưa lũ tới các thuê bao trên địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng theo yêu cầu của Bộ; sẵn sàng roaming giữa các mạng di động.

Các doanh nghiệp bưu chính rà soát hệ thống đường thư bưu chính, lên phương án đảm bảo an toàn thông tin bưu chính phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với bão, mưa lũ.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone được giao tăng cường, bổ sung các trạm BTS di động và xe thông tin cơ động để sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp thông tin bị gián đoạn.