Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc với VNPost |
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, ngày 26/11/2018, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với VNPost. Tham dự chuyến thăm và làm việc có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT. Về phía Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, có ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Ban Lãnh đạo Tổng công ty.
Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về hoạt động sản xuất của VNPost, đại diện Lãnh đạo VNPost cho biết, Bưu điện Việt Nam hiện nay có 46.000 lao động, mạng lưới phục vụ là 13.221 điểm và đã phục vụ đến cấp xã, trong đó, có 8.000 điểm giao dịch nối mạng online đã ứng dụng CNTT để quản lý khai thác dịch vụ. Về mạng vận chuyển, VNPost có đường thư cấp 1 với 85 đường thư chuyên ngành, 4 đường thư xã hội, 49 đường thư máy bay; đường thư cấp 2 có 690 đường; đường thư cấp 3 có 4.056 đường thư và 128 đường thư quốc tế. Về mạng khai thác, hiện VNPost có 3 trung tâm khai thác chia chọn vùng, 2 trạm vận chuyển; 63 bưu chính cấp 1; 632 bưu chính cấp 2; 5 bưu chính khai thác quốc tế. Trong đó, mạng phát với 811 bưu chính phát và 11.832 tuyến phát. Doanh thu BĐVN 10 năm (từ 2008-2017) tăng gấp hơn 2 lần, tăng trưởng bình quân giai đoạn 22%, trong đó, giai đoạn 2014-2017 tăng 36%. Luôn hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn Chủ sở hữu do Bộ TT&TT giao, thực hiện tốt giảm dần mức trợ cấp bưu chính sau 5 năm và kinh doanh có lãi vào năm 2014. Tổng doanh thu tính đến tháng 10/2018 là 22.275 tỷ đồng.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, VNPost sẽ tiếp tục hoàn thành mục tiêu chiến lược về lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận. Theo đó, năm 2020 đạt 600 tỷ đồng lợi nhuận; Đẩy nhanh phát triển hạ tầng mạng lưới, triển khai các dịch vụ hành chính công, đổi mới mô hình hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã; Tiếp tục đổi mới căn bản về tổ chức sản xuất, xây dựng và từng bước triển khai chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 1.
Hướng tới giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, VNPost phấn đấu mức doanh thu tăng trưởng đạt 20%/năm; Tái cơ cấu nhóm dịch vụ truyền thống, phát triển lĩnh vực dịch vụ trụ cột theo hướng tạo hệ sinh thái liên kết, tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ thương mại điện tử, logistic trong nước và quốc tế; Phát triển các dịch vụ hành chính công, trở thành cánh tay nối dài của Chính phủ...
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, VNPost là doanh nghiệp trực thuộc Bộ TT&TT (Bộ chuyên về ICT) cần phát huy thế mạnh, đổi mới, sáng tạo và chủ động ứng dụng CNTT trong sản xuất, điều hành, lấy ICT làm nền tảng của các lĩnh vực. Vì ICT không chỉ giúp làm đổi mới các hoạt động truyền thống mà còn tạo ra các lĩnh vực mới, trên cơ sở đó, từ năm 2019, VNPost cần phải thành lập một bộ phận chuyên biệt để đẩy mạnh ứng dụng triệt để CNTT, công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số.
Bộ trưởng cho biết, ngành TT&TT có 10 chữ vàng “Trung thành - Dũng cảm – Tận tụy – Nghĩa tình - Sáng tạo”, chủ yếu “vận” vào bưu chính, trong đó 8 chữ liên quan đến văn hóa - con người. Có chăng mỗi chữ “Sáng tạo” liên quan đến công nghệ nhưng sáng tạo bưu chính nhiều hơn vì hiện nay bưu chính có nhiều dịch vụ. Trên cơ sở đó, VNPost cần thay đổi quan điểm là doanh nghiệp bù lỗ, công ích mà cần phải cố gắng đạt tăng trưởng 35%, duy trì tốc độ và trong vòng 7 năm tới vượt viễn thông, trở thành tập đoàn lớn, tạo sự tin tưởng và trở thành cánh tay nối dài của Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Bưu chính đang đứng trước cơ hội lớn. Khi xã hội, người dân càng lên mạng, trực tuyến (online) và sử dụng thương mại điện tử ngày càng nhiều thì nhu cầu tiếp xúc giữa con người với con người càng cần hơn. Hơn nữa, nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến tận nhà cũng tăng cao. Đây chính là thời cơ của VNPost, VNPost phải đến với khách hàng và trở thành người bạn của khách hàng.
Ngoài ra, VNPost muốn phát triển logistics, thương mại điện tử phải phổ cập dịch vụ vì có mạng lưới phủ rộng nhất mà vùng phủ dịch vụ luôn là một lợi thế cạnh tranh. Hơn nữa, VNPost có bộ máy đến làng xã và đội ngũ lao động đông nên có thể làm tốt dịch vụ hành chính công. Có thể khẳng định, với số lượng 46.000 lao động thì con người chính là sức mạnh của BĐVN. Trên cơ sở đó, VNPost luôn luôn phải nêu cao tính làm chủ, khơi dậy tinh thần dân tộc, tinh thần phụng sự tổ quốc cho người lao động; đồng thời, xây dựng các phương án quản trị, đặc biệt là quan trị con người, đặt mục tiêu quản trị con người là số 1. Nếu quản trị tốt con người, VNPost sẽ trở thành công ty quản trị tốt nhất.
Về định hướng phát triển trong những năm tới, Bộ trưởng yêu cầu Lãnh đạo VNPost cần phải đặt ra mục tiêu cao nhất là trong giai đoạn 2 năm tới phải phác thảo đường hướng đến năm 2020 rõ nét hơn, xác định nhóm kinh doanh dịch vụ phân phối truyền sẽ là nghề chính; Xây dựng văn hóa “Tình nghĩa – Sáng tạo...” trong mọi công việc, ứng xử. Đối với người lao động, tổ chức, công ty cần có cơ chế động lực, hưởng theo kết quả kinh doanh, sản phẩm (performance base) để trả lương cho người lao động. Đây là động lực quan trọng để phát triển các nhóm dịch vụ.
Đối với dịch vụ chuyển phát, VNPost phải đặt mục tiêu xa hơn là sở hữu khách hàng. Mỗi nhân viên phụ trách vài trăm hộ gia đình. Mô hình kinh doanh bây giờ là từ một dịch vụ cơ bản, ví dụ dịch vụ chuyển phát, doanh nghiệp tiếp cận khách hàng, biết cộng đồng khách hàng, cơ sở dữ liệu khách hàng. Khi đã có một tập khách hàng đủ lớn thì doanh nghiệp sẽ cung cấp các dịch vụ khác. Đây mới là giai đoạn phát triển chính của doanh nghiệp. Bởi vậy không bao giờ dừng lại ở dịch vụ cơ bản, dịch vụ truyền thống của doanh nghiệp. Có khách hàng là có tất cả. Nếu VNPost cung cấp nhiều dịch vụ khác nữa trên tập khách hàng của mình thì doanh thu của BĐVN tăng lên nhiều lần. Tương lai, VNPost không phải là doanh nghiệp tỷ đô mà sẽ là doanh nghiệp có hàng chục tỷ đô.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo VNPost cần sử dụng tư vấn để rà soát lại toàn bộ các quy trình, quy định để bỏ đi những chồng chéo, thừa, cản trở; bổ sung, sử dụng phong phú hơn các công cụ quản trị, chính sách.
Về luật lệ, quy định cần phải xây dựng trong doanh nghiệp, Bộ trưởng cũng lưu ý với VNPost phải chú ý 7 công cụ sau để tác động vào quản trị, chính sách: Quy chuẩn, sử dụng các chuẩn mực sẽ tạo ra một công ty hợp nhất cho nên phải chuẩn hóa; Các chính sách khuyến khích tập trung vào các ưu tiên của công ty, khuyến khích vào đâu sẽ thúc đẩy phát triển ở đó. Dùng chính sách khuyến khích để tác động vào những chỗ dang cần; Tạo cơ chế chia sẻ thông tin giữa các phòng ban; Chia sẻ, sử dụng những kinh nghiệm tốt nhất để học tập, kể cả học tập của các công ty ngoài ngành; Tổ chức các chương trình đào tạo, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ, phải chú trọng thay đổi nhận thức để khai sáng, tăng cường làm việc nhóm, tạo thói quen thảo luận; Tạo các chuẩn mực về hành vi và đạo đức trong công ty để tạo nên nền tảng văn hóa của doanh nghiệp; Tạo nên niềm tin của tổ chức, vào nhau và người lãnh đạo bởi khi chúng ta có niềm tin thì đỡ quy trình, quy chế.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, Bộ TT&TT luôn sát cánh với VNPost và tin tưởng rằng sau 5 năm nữa, VNPost sẽ phát triển thành công.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh cùng ban lãnh đạo VNPost |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV VNPost, Phạm Anh Tuấn hứa với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2019, BĐVN sẽ quyết tâm thực hiện việc tách làm 4 trụ cột như sau: Bưu chính chuyển phát – Phân phối – Truyền thông – Tài chính Bưu chính. Đồng thời, sẽ cố gắng đạt mục tiêu đến năm 2020 có mức tănng trưởng là 35%.
Về nội dung chuyển đổi số, VNPost đang xây dựng đề án, vì nếu không chuyển đổi số sẽ không thể bán hàng. VNPost cũng đang chuyển hướng từ chuyển phát sang phân phối để tạo ra đột phá. VNPost xác định năm 2019 là năm nền tảng, năm 2020 sẽ phát huy tác dụng và sẽ vươn tới xã, tới thôn. Đồng thời, xây dựng văn hóa doanh nghiệp đúng như chỉ đạo của Bộ trưởng.