Dù đã được sắp xếp lịch mổ, khi ê-kíp phẫu thuật đã chuẩn bị sẵn sàng, bệnh nhân và người thân lại đòi hoãn vì "thầy báo giờ mổ xấu". Đó là một trong rất nhiều tình huống trớ trêu mà các bác sĩ ung thư phải đối mặt. Vì vậy, ngoài công việc chuyên môn, họ còn đang từng ngày nỗ lực chống lại các biện pháp điều trị phản khoa học. VietNamNet xin đăng tải tuyến bài Khi bệnh nhân ung thư từ chối điều trị để phần nào cảnh báo những phương pháp điều trị ung thư sai lầm mà nhiều người đang lầm tưởng, tin theo.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh, Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội), nữ bệnh nhân 52 tuổi, làm điều dưỡng tại Hà Nội được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng mất trí nhớ, ung thư di căn não và nhiều bộ phận, cơ quan khác. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định không thể điều trị can thiệp được cho bệnh nhân.
Nữ bệnh nhân này bị ung thư phổi đã điều trị hóa chất, xạ trị, tình trạng sức khỏe ổn định trong nhiều năm. Mấy tháng trước, tế bào ung thư tái phát gây tràn dịch màng phổi, bác sĩ chỉ định điều trị hóa chất nhưng bệnh nhân bỏ dở, xin ra viện sớm. Khi về nhà, bà tham gia khóa nhịn ăn chữa lành tại Đắk Lắk. Theo chia sẻ của gia đình, nữ điều dưỡng hy vọng "hấp thu năng lượng đất trời" để khỏi ung thư hoặc khối u teo nhỏ lại.
Sau một tháng, cơ thể bệnh nhân suy kiệt, giảm 10kg, bệnh tiến triển lan rộng, tế bào di căn gây mất trí. Khi bà vào viện, các nhân viên y tế đều thở dài tiếc cho cơ hội điều trị của bệnh nhân. "Trường hợp này vừa đáng thương lại vừa đáng trách", bác sĩ Cảnh chia sẻ.
Trong thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện các clip chia sẻ về phương pháp nhịn ăn chữa lành để điều trị ung thư, giảm cân. Những clip này đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức với mục đích chia sẻ phương pháp nhịn ăn chữa lành bệnh. Bác sĩ Cảnh cho biết trước đó bệnh viện cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng suy kiệt, ung thư di căn khắp nơi sau khi áp dụng những thông tin chia sẻ này.
Nam bác sĩ khẳng định các phương pháp ngồi thiền, dùng thảo dược, nhịn ăn để chữa ung thư đều đi ngược với các biện pháp điều trị chính thống là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch học.
Người bệnh tham gia vào các khóa học chữa lành, thiền với hy vọng khỏi bệnh đều phải trả giá đắt bằng cả sinh mạng, tự bỏ mất giai đoạn vàng điều trị. Trong điều trị ung thư, giai đoạn bệnh quyết định cơ hội điều trị khỏi cũng như chi phí. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người bệnh và gia đình nên tỉnh táo trước khi quyết định áp dụng bất cứ phương pháp truyền miệng nào trong điều trị ung thư.
Đối với bệnh nhân ung thư, hỗ trợ dinh dưỡng có ý nghĩa quan trọng trong việc hồi phục tình trạng suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư.
Dinh dưỡng giảm các tác dụng phụ từ phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch... Người bệnh đang điều trị đều được cung cấp mục tiêu dinh dưỡng duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, phục hồi thể trạng tiếp tục đảm bảo sức khỏe điều trị bệnh.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao trên toàn cầu, số lượng ngày càng tăng. Năm 2018 ghi nhận 165.000 ca, 182.000 ca vào năm 2020, 122.690 người tử vong. Số ca tăng nhanh, nhu cầu tìm hiểu về bệnh ung thư ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, mạng xã hội có hàng nghìn thông tin liên quan đến các phương pháp chữa ung thư, trong đó nhiều nội dung sai sự thật, chưa được kiểm chứng.