Lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ chương trình “Mít tinh Hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023” do Bộ Y tế phối hợp cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh và Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức.

Hợp tác mở ra hành trình mới

Hiện nay tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa, nhu cầu giao thương, du lịch và di dân tăng cao... đang tạo điều kiện để các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xuất hiện, lây lan và bùng phát.

Điều này đòi hỏi Chính phủ và bộ ban ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục duy trì và triển khai các chương trình nhằm phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, chăm sóc sức khỏe ban đầu bên cạnh khám, chữa bệnh.

Song song với đó, sự tham gia từ khối tư nhân, doanh nghiệp sẽ giúp lan tỏa mạnh mẽ các chương trình này, tiếp cận đến nhiều người dân hơn nữa trên cả nước, đồng thời hỗ trợ các sản phẩm thiết yếu để chăm sóc vệ sinh cá nhân và môi trường sống hiệu quả hơn. Điển hình như Unilever Việt Nam đã tận dụng mức độ ảnh hưởng và sản phẩm của mình để mang các chương trình giáo dục, chăm sóc vệ sinh, sức khỏe tiếp cận đến hàng chục triệu người tiêu dùng trên cả nước. 

Chính vì vậy, Unilever Việt Nam và Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) vừa ký kết bản ghi nhớ hợp tác thực hiện chương trình “Vì một Việt Nam khỏe mạnh và bền vững” trong giai đoạn 2023-2028 với mục tiêu nâng cao điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho 15 triệu người dân trên toàn quốc. 

Đại diện Unilever Việt Nam và Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) ký kết biên bản hợp tác

Đầu tiên, chương trình hợp tác hướng đến mục tiêu truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và tạo thói quen vệ sinh cá nhân như khuyến khích rửa tay với xà phòng, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống, dinh dưỡng hợp lý...

Không dừng lại ở đó, hợp tác còn là cơ hội để Unilever Việt Nam và Bộ Y tế cùng phối hợp để đẩy mạnh các sáng kiến, mô hình, hoạt động đổi mới; xây dựng các mô hình bệnh viện, trạm y tế, khu dân cư văn minh, sạch đẹp để chủ động phòng và quản lý các yếu tố nguy cơ về dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. 

Đồng thời, Unilever Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ Bộ Y tế tổ chức các hội thảo chia sẻ kiến thức và tập huấn nâng cao năng lực, các diễn đàn và hội nghị để kết nối và đối thoại giữa các bên. Điều này góp phần phát triển môi trường y tế bền vững từ tuyến trung ương đến cơ sở.

Trước đó, trong 15 năm từ năm 2007-2022, Unilever Việt Nam cùng với các nhãn hàng như Lifebuoy, Vim, P/S, Pureit, OMO đã hợp tác cùng Bộ Y tế triển khai nhiều chương trình tiêu biểu giúp hơn 22 triệu người được giáo dục thói quen vệ sinh cá nhân như rửa tay với xà phòng, vệ sinh môi trường sống, truyền thông phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, nâng cao điều kiện sức khỏe, góp phần phòng chống dịch bệnh, như “Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh”, lồng ghép truyền thông vệ sinh môi trường trong chương trình “Mở rộng quy mô nước sạch vệ sinh nông thôn”, truyền thông “Bệnh viện Xanh Sạch Đẹp”, chương trình “Vững vàng Việt Nam” và chiến dịch truyền thông “5K”, “2K+” phòng chống dịch Covid-19...  

Triển lãm tổng kết 15 năm hợp tác giữa Unilever và Bộ Y tế

10 năm thực hiện phong trào “Vệ sinh yêu nước”

Bên cạnh lễ ký kết hợp tác, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức “Mít tinh Hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023 - Vì một Việt Nam khỏe mạnh và bền vững” tại TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. 

Các hoạt động phong phú hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023 bao gồm: Tổ chức buổi mít tinh với chủ đề “Vì một Việt Nam khỏe mạnh và bền vững”; Tổ chức các hoạt động truyền thông  về vệ sinh phòng chống dịch bệnh tại các địa phương; Trưng bày các thành tựu 10 năm ngành Y tế triển khai phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân…

Các hoạt động truyền thông tại buổi mít tinh

Trong 10 năm (2012-2022) thực hiện, phong trào đã giúp mang lại nhiều kết quả nổi bật về việc kiểm soát tốt tình hình ngộ độc thực phẩm giúp giảm thiểu số ca mắc và số tử vong; tăng gấp đôi tỷ lệ người dân duy trì thói quen rửa tay với xà phòng, gia tăng tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; nâng cao tỷ lệ cung cấp nguồn nước sạch và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh tại hộ gia đình nông thôn, cư dân đô thị và trạm y tế; đảm bảo chất thải y tế được xử lý tại bệnh viện; cải thiện điều kiện vệ sinh trường học. Đặc biệt thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để góp phần kiểm soát bệnh dịch Covid-19.

Thúy Ngà