- Thật kỳ diệu, các đội bóng với thứ bóng đá đẹp và sạch, khi ra sân chơi lớn, lại nhanh chóng trở thành những sứ giả truyền tin, quảng bá cho hình ảnh đất nước Việt Nam “ngon lành” đến thế!


Đêm 20/01, sau chiến thắng trên chấm phạt đền của U23 Việt Nam trước Iraq, người Việt Nam nối nhau đổ ra đường hò reo, cháy hết mình cho một ngày nữa không thể quên của lịch sử bóng đá Việt Nam...

{keywords}
Người Việt Nam đổ ra đường mừng chiến tích kỳ diệu của U23 Việt Nam - lấy vé bán kết U23 châu Á

Họ thể hiện tình yêu với đội bóng nước nhà có trận chiến thắng thuyết phục trên đấu trường bóng đá châu lục. Lần đầu tiên, giấc mơ bóng đá Việt Nam bước ra khỏi sân chơi khu vực, hòa nhập với lớp lớp anh tài châu lục, đã thành hiện thực một cách đàng hoàng, tự tin.

Chiến thắng của tuyển U23 Việt Nam trong trận tứ kết trước đội bóng hàng đầu châu Á, được quyết định trên chấm phạt đền may rủi. Bóng đá cần có sự may mắn nhưng chừng đó là chưa đủ. Trên hết là tinh thần, bản lĩnh hơn người, là ý chí thi đấu với hơn 100% sức lực, là đấu pháp biết mình biết người. Thứ nữa là từ tài luyện quân, cầm quân và điều binh khích tướng của vị huấn luyện viên người Hàn, Park Hang Seo, là sự động viên khích lệ kịp thời, đúng mực của người đứng đầu chính phủ và người hâm mộ nước nhà...

Vẫn những gương mặt cầu thủ không mới, nhưng khi giáp trận tại vòng chung kết U23 châu Á, cách trình diễn của đội bóng lại cho thấy nhiều sự khác biệt. Rõ nhất là tâm thế thắng không kiêu, bại không nản, biết cách vượt qua áp lực, biết “dĩ đoản (bình) chế trường (trận)”, điềm tĩnh mà ngạo nghễ đi tới chiến thắng cuối cùng.

Rõ nhất nữa, là tâm lý ổn định, biết kiềm chế, không bị kích động khi đối thủ chơi xấu hoặc trọng tài xử ép. Rõ nữa, là toàn đội là một tập thể thống nhất, hoàn hảo, không chỉ trích nhau khi cá nhân mắc lỗi, biết hỗ trợ nhau lập công và ai cũng có thể lập công...

{keywords}
Niềm tin mãnh liệt vào bản thân và ý chí màu cờ sắc áo đưa đoàn quân áo đỏ bay cao 

Niềm tin, niềm tự hào cao cả của những người yêu bóng đá nước nhà dành cho đội tuyển U23 lần này, có lẽ, xuất phát từ những điều tạo nên sự khác biệt đó. Văn hoá “mỏng” sẽ sinh ra thứ bóng đá xấu xí, cốt ăn thua, phong độ trồi sụt, nói gì tới đẳng cấp. Văn hoá “dày” sẽ tạo nên thứ bóng đá đẹp và sạch, thua hay thắng đều ĐƯỢC, biết hướng tới giá trị khác biệt, hơn hẳn, đẳng cấp.

Nhà quản lý, người lãnh đạo được gì sau mỗi sự kiện bóng đá nước nhà lập chiến công?

Thật kỳ diệu, các đội bóng với thứ bóng đá đẹp và sạch, khi ra sân chơi lớn, lại nhanh chóng trở thành những sứ giả truyền tin, quảng bá cho hình ảnh đất nước Việt Nam “ngon lành” đến thế!

Truyền thông châu Á trong những ngày qua liên tục nhắc đến cái tên U23 Việt Nam đầy thiện cảm và thán phục, kèm theo hình ảnh cầu thủ đội bóng và người hâm mộ. Sự kiện U23 Việt Nam tạo nên cơn “địa chấn”, lừng lững chinh phục các đội bóng ở VCK U23 châu Á, thật thú vị, lại là sự kiện truyền thông về đất nước Việt Nam!

Bóng đá, tất nhiên phải là thứ bóng đá đẹp và sạch, không trực tiếp tạo tăng trưởng kinh tế cho một quốc gia, nhưng tạo nên những hiệu ứng tích cực kích thích năng lực tăng trưởng. Sẽ không chút ngộ nhận khi nói rằng, từ sự kiện U23 Việt Nam ở vòng chung kết bóng đá châu Á, khách du lịch, nhà đầu tư sẽ đến Việt Nam nhiều hơn.

{keywords}
Báo chí Hàn Quốc "phát sốt" cùng U23 Việt Nam

Cũng không quá lời, khi nói rằng, những người thể hiện tình yêu cuồng nhiệt với bóng đá, say cùng chiến thắng chinh phục đỉnh cao châu lục của U23, sẽ thêm phấn khích, làm việc sáng tạo và năng suất hơn.

Bóng đá đẹp và sạch, không nghi ngờ gì nữa, tôn thêm hình ảnh, vị thế một quốc gia.

Từ sự kiện U23 Việt Nam ở vòng chung kết bóng đá châu Á 2018, không thể không nghĩ đến chiến lược đầu tư cho bóng đá nước nhà.

Không thể chấp nhận niềm vui, niềm tự hào nhất thời với chỉ một U23, với một mùa VCK châu Á 2018. Cần những lứa cầu thủ U11, U15, U17... và đội tuyển Việt Nam tự tin tranh tài tại các cuộc chơi từ khu vực tới châu lục và vươn ra tầm thế giới, thường xuyên tạo sự kiện cảm xúc nghẹt thở, vỡ oà, thăng hoa cho người hâm mộ.

Không thể an lòng với thể hình, vóc dáng cầu thủ Việt hôm nay, khi vẫn “thấp, bé, nhẹ cân”, dễ hụt hơi trong những trận cầu quyết định.

Một chiến lược phát triển bóng đá ở tầm quốc gia, dài hơi, bắt đầu từ đầu tư, nâng cao tầm vóc, thể chất người Việt. Còn lại, nhân tài bóng đá không thiếu. Đẳng cấp đội bóng quốc gia không tỷ lệ thuận với số dân và tiềm lực kinh tế của quốc gia đó. Những bước tiến vượt bậc của tuyển U23 hôm nay, cho chúng ta nhiều bài học về các yếu tố tạo nên thành công của một đội bóng, trong một giải đấu.

Cách đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ theo hướng xã hội hoá mà một số câu lạc bộ, tập đoàn kinh tế đang thực hiện lâu nay, bước đầu đem lại hiệu quả, cũng là kinh nghiệm quý...

{keywords}
Người hâm mộ, hãy yêu và sát cánh đội tuyển cả khi thành công lẫn thất bại

Trở lại với những giây phút cháy hết mình của người hâm mộ nước nhà... Không hồi hợp, nghẹt thở, để rồi nhảy cẫng lên, gào thét và ôm chầm lấy nhau, mới là lạ!

Không xuống đường, cuồng nhiệt thăng hoa cùng dòng người lạ mà quen, chỉ có là người không yêu, không hiểu bóng đá!

Nhưng, cách yêu, cách biểu hiện tình yêu với bóng đá của người Việt Nam ta, có cực đoan và thái quá chăng? Bao nhiêu lần rồi, lặp đi lặp lại cách biểu lộ tình yêu bóng đá như thế, sau mỗi trận thắng với đối thủ khu vực lại vỡ oà, gào ghét, thăng hoa, là xuống đường, cuồng nhiệt và cháy hết mình.

Nhưng, ngay sau đó nếu đội nhà thất bại, thì lại lặng lẽ, quay mặt, như chẳng hề có đội bóng mình từng yêu tồn tại, như chẳng hề có trận cầu hôm nào khiến mọi người hồi hộp, nghẹt thở, phấn khích, hồn nhiên trở về thời con trẻ.

Hãy nuôi tình yêu bóng đá bền lâu, khi đội bóng mình yêu chiến thắng và cả khi gặp thất bại.

Hãy cùng nhau xây dựng bóng đá Việt Nam trên nền tảng thể chất, tầm vóc Việt, văn hoá Việt, tự tin chinh phục sân chơi khu vực, châu lục và thế giới, vươn tới khác biệt, đẳng cấp.

Văn Uông