Đầu năm 2014, Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được Bộ Giao thông Vận tải giao cho Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu thực hiện nâng cấp từ 2 lên 4 làn xe với tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng.

Cuối năm 2015, Bộ này quyết định cho nhà đầu tư thu phí phương tiện qua lại với mức 45.000 đồng/lượt xe dưới 9 chỗ ngồi trong vòng 17 năm 3 tháng. Cơ sở để thanh toán với nhà đầu tư là mức doanh thu và tổng vốn đầu tư.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam giám sát ghi nhận hồi năm 2016, mỗi ngày trạm thu được hơn 1,9 tỉ đồng, gấp chừng 1/3 so với con số 1,2-1,4 tỷ đồng/ngày trong bản báo cáo của Công ty gửi Bộ Giao thông Vận tải trước đó. Còn báo chí phản ánh gần đây, công ty này có doanh thu lên tới 57,9 tỷ đồng trong chỉ riêng tháng 5/2019, trung bình mỗi ngày trạm có tổng thu gần 2 tỷ đồng.

Như vậy, trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ chỉ cần 9 năm thu đủ so với mức đầu tư 6.731 tỷ đồng, không cần tới 17 năm 3 tháng như hợp đồng BOT ký với Bộ Giao thông Vận tải, khoảng thời gian chênh gần gấp đôi.

Để xác định chính xác doanh thu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam từng yêu cầu từ 1/3/2017, công ty này phải sao lưu dữ liệu, hình ảnh hoạt động tại trạm, trong đó ảnh lưu lượng phương tiện và hoạt động thu phí tại các ca-bin. Mới đây, Tổng cục ra điều kiện nếu từ thời điểm 10/6/2019 Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ không đáp ứng các quy định trên sẽ buộc dừng thu phí.

Một số dữ liệu thu phí còn thiếu trong thời gian trước ngày 10/6/2019 ngược về 1/3/2017, lãnh đạo Tổng cục yêu cầu nhà đầu tư phải khắc phục, bổ sung để sớm có báo cáo Tổng cục và công khai với báo chí.

Câu chuyện của BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng như nhiều tuyến đường BOT khác ở Việt Nam gợi lên nhiều suy nghĩ.

{keywords}
BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ và câu hỏi về “thước đo chân lý”

Nguyên lý kiểm toán phổ quát

Khoa học kinh tế phân biệt 2 loại mô hình kinh tế cơ bản đối lập nhau, nền kinh tế thị trường theo đuổi mục đích lợi nhuận (lợi ích riêng), còn nền kinh tế quản lý tập trung nhằm mục đích hoàn thành kế hoạch nhà nước (lợi ích chung).

Do theo đuổi mục đích lợi ích riêng, nên trong nền kinh tế thị trường các doanh nghiệp bất kể doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, người lao động, công nhân viên chức nhà nước, tổng thống đều được mặc định động cơ đó.

Từ đó, bất kể thể nhân nào có thu nhập từ ngưỡng đóng thuế phải đóng thuế (tức chuyển lợi ích riêng vào lợi ích chung), dẫn đến khó tránh khỏi tranh chấp lợi ích giữa thể nhân đóng thuế với nhà nước, được thực thi bởi cơ quan tài chính, thuế vụ.

Nơi giải quyết tranh chấp cuối cùng là toà án được mặc định là cán cân công lý (độc lập với cả thể nhân lẫn nhà nước).
Ở Đức tại một số văn phòng tư vấn thuế còn treo khẩu hiệu về án quyết của Toà án Tối cao Liên bang Đức, được coi như nguyên lý: “Người dân không có trách nhiệm phải đóng thuế nhiều cho nhà nước, hơn thế họ có quyền tính toán sao cho họ có lợi nhất“.

Nếu áp dụng vào BOT ở ta, thì BOT tính toán lợi nhuận sao cho họ lợi nhất là đương nhiên. Ngược lại thuế vụ, thanh tra phải kiểm toán sao cho nhà nước thu đúng, thu đủ là trách nhiệm pháp lý bắt buộc.

Cá nhân thuế vụ, thanh tra cũng là những thể nhân đóng thuế, đến lượt họ cũng phải chịu kiểm toán đối với thu nhập, tài sản của bởi cá nhân họ cũng theo đuổi lợi ích riêng.

Nguyên tắc kiểm toán khác với xét xử trong hình sự. Trong hình sự, bị can bị cáo không có trách nhiệm chứng minh mình đúng, mà nhà nước (các cơ quan thực thi pháp luật) có trách nhiệm chứng minh bị can bị cáo sai.

Chính vì vậy, có vụ án suy rõ mười mươi bị cáo phạm tội giết người phi tang nhưng do không tìm thấy cả dấu hiệu giết lẫn thi thể, buộc phải tuyên vô tội.

Trong lĩnh vực thuế ngược lại, người đóng thuế phải có trách nhiệm chứng minh mình đúng, nghĩa là nếu không chứng minh được thì thuế vụ có quyền ấn định thuế theo tính toán đúng luật của họ.

BOT Pháp Vân Cầu Giẽ - câu hỏi chính sách

Dĩ nhiên, một khi Nhà nước đã kiểm tra thì phải theo luật định. Luật ở ta chắc cho phép Bộ Giao thông Vận tải đòi nhà đầu tư BOT bổ sung dữ liệu tính toán lại từ 1.3.2017, (còn trước đó không thấy đả động), và nếu không sao lưu dữ liệu thì ngừng thu phí (nên không phản biện đúng sai ở đây).

Tuy nhiên ở tầm ban hành chính sách cần đặt câu hỏi:

(1) Nếu BOT không bổ sung đủ dữ liệu thì sao? Vẫn phải theo báo cáo của BOT? Hay kiểm toán tự ấn định?

(2) Mặt khác, đã là kiểm toán thì phải độc lập như toà án, nghiã là xem xét tất cả các bằng chứng có thể có liên quan. Vậy tại sao số liệu giám sát năm 2016 vốn là bằng chứng thực tế, lại không được coi như một dữ liệu tính toán, mà cứ phải dựa vào báo cáo của họ?

(3) Nếu ngừng thu phí thì khoản phí mất đó ai chịu? BOT hay nhà nước? (Người dân miễn phí không có nghĩa nhà nước có thu).

Một trường hợp người Việt định cư ở Đức

Trên chuyến bay về Việt Nam ăn Tết năm 2013, hai vợ chồng ông T và bà P bị Hải quan Frankfurt/Main (Đức) kiểm tra phát hiện có mang theo 3 sổ tiết kiệm ngân hàng Việt Nam với số tiền 62.429 đô la, 107.000 đô la và 53.000 Euro, gửi trong 2 tháng 1-2.2005.

Họ liền lập biên bản chuyển cho Sở Tài chính nơi ông bà T, P cư trú để kiểm tra khoản lãi từ tài sản gửi ngân hàng này đã đóng thuế chưa.

Ông bà T, P mở tiệm ăn từ năm 2001, lãi ròng hàng tháng tự khai thuế nộp Sở Tài chính chỉ đủ mức sống cơ bản, nghĩa là được miễn thuế thu nhập.

Nhận được biên bản, Sở Tài chính lập tức ra quyết định kiểm toán thuế ông bà T, P để xem nguồn gốc số tiền đó, từ năm 2001 đến năm 2010 (là năm gần nhất đã nộp bản báo cáo quyết toán thuế cuối năm, từ năm 2010-13 chưa nộp báo báo).

Áp dụng nguyên tắc kế toán trong nền kinh tế thị trường, họ coi tổng số tiền tiết kiệm trên là lãi ròng kinh doanh trong 4 năm từ 2001-2004. Và do kinh doanh từ năm 2005 đến 2010 báo cáo quyết toán so với 4 năm trước đó chênh không đáng kể nên được áp dụng mức lãi ròng của 4 năm trước.

Tổng cộng ông bà T, P bị thuế vụ ấn định tổng số tiền thuế thu nhập, giá trị thặng dư, thuế môn bài, đóng qũy đoàn kết tái thiết Đông Đức, lãi suất ngân hàng tính đến năm kiểm tra, tiền phạt nộp thuế muộn, tổng cộng từ năm 2001-2010 lên tới 153.859,22 Euro (đủ mua hàng ngìn m2 đất trung tâm Hà Nội hồi thập kỷ 2000).

Cuối bản quyết toán, thuế vụ hướng dẫn: Ngài có quyền trong thời hạn 1 tháng chống lại bản quyết toán này, nếu không thuế vụ sẽ ra quyết định chính thức (đúng nguyên lý kiểm toán, người đóng thuế phải có trách nhiệm chứng minh mình đúng, nếu không coi như thừa nhận mình sai).

Ông bà T, P chống lại bằng cách nộp giấy biên nhận của người em ruột trong nước kinh doanh đồ điện tử từ năm 1999 có lãi ngoại tệ, nhờ đứng tên 3 sổ tiết kiệm đó.

Thuế vụ đòi trình hồ sơ hợp pháp kinh doanh của người em ruột về số ngoại tệ đó, và nhắc nhở 2 nhà nước Đức Việt đã có “hiệp định tương trợ pháp lý“ nên họ sẽ kiểm tra.

Kết qủa ông bà T, P trình giấy phép kinh doanh người em bắt đầu từ tháng 4.2007 nghĩa là 2 năm sau khi gửi tiết kiệm (sai thứ nhất). Chưa hết, giấy chứng nhận người em nộp thuế trong nước cho kết qủa lãi cao nhất vào năm 2009 trên 128.416.000 đồng (tương đương 5.000 Euro) chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình họ, không có lãi ở mức gửi tiết kiệm (sai thứ 2).

Nghĩa là hồ sơ trên không thể chứng minh được số tiền của ông bà T, P nằm ở sổ tiết kiệm, nên bị thuế vụ bác bỏ. Ông bà T, P thuê luật sư viện đến Toà án Tài chính cũng bị Toà bác bỏ nốt, bởi ông bà T, P không thể chứng minh được mình đúng, Toà không thể phán khác.

Thay cho phần kết

Từ trường hợp dự án BOT kể trên (và có thể là vụ thanh tra Bộ Xây dựng vị tạm giữ ở Vĩnh Phúc) đối chiếu với trường hợp người Việt ở Đức, ông bà T, P, cho thấy hình thức là tương tự nhau nhưng kết quả là rất khác nhau.

Kết qủa đó chính là “thước đo chân lý“ (Karl Marx). Nước Đức liên tục kiểm nghiệm thực tiễn để biến thành chế độ chính sách và hoàn thiện thể chế.

Chẳng hạn, cách đây dăm năm ở Dresden, Đức xảy ra vụ một người dân chĩa khẩu súng giả trông như thật nhắm vào cảnh sát đang thi hành công vụ, bị cảnh sát bắn chết. Ngay trong năm đó tiểu bang ban hành ngay luật “cấm súng giả trông như thật“ để phòng ngừa hậu hoạ trên.
Còn ở ta, bao giờ luật pháp mới bám sát thực tế để vĩnh viễn không để diễn ra những chuyện như trên?

TS Nguyễn Sỹ Phương (viết từ Đức)