- Ngày 7/1, Bộ GD-ĐT có công văn gửi các Sở GD-ĐT để chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, hiện nay, ở một số trường phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cán bộ quản lý, giáo viên đang phải sử dụng nhiều loại hồ sơ, sổ sách ngoài những quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường của Bộ GD-ĐT. Việc này làm mất nhiều công sức, gây ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy, công tác và bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ quan quản lý giáo dục chỉ đạo các nhà trường thực hiện một số vấn đề sau: Các nhà trường không sử dụng những loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định của Điều lệ hoặc Quy chế do Bộ GDĐT ban hành; có thể sử dụng kết hợp để giảm số lượng các loại hồ sơ, sổ sách ở mỗi trường.
Không được yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài các loại sau: Giáo án (bài soạn) lên lớp viết tay hoặc đánh máy; có thể kết hợp soạn giáo án các môn học hoặc hoạt động giáo dục trong cùng một cuốn; Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên Tiểu học); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
Bộ cũng yêu cầu phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường như sử dụng sổ điểm điện tử, phần mềm quản lý tổng hợp các số liệu, hồ sơ quản lý nhà trường…
Các cơ quan quản lý giáo dục không được chỉ đạo phát hành hoặc trực tiếp phát hành tới các nhà trường các loại hồ sơ, sổ sách, tài liệu quản lý chuyên môn của nhà trường và của giáo viên.
Trước đó, quá nhiều những công việc liên quan đến sổ sách, giáo án đã bị không ít giáo viên coi là “việc khủng khiếp”, ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy cũng như cuộc sống của nhà giáo.
- Chi Mai