Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay, đến nay, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương, đẩy mạnh hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã và nông hộ.
Kết quả, tổng diện tích liên kết của tỉnh đạt hơn 16.400ha với sản lượng hơn 58.800 tấn/năm. Các loại cây trồng được thực hiện liên kết chuỗi hiện nay là cây lúa, hồ tiêu, rau và cacao.
Bằng nỗ lực vận động doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã kêu gọi được nhiều doanh nghiệp tham gia các chuỗi này.
Trong số đó, với cây lúa, Tập đoàn Lộc Trời liên kết nông dân Bà Rịa Vũng Tàu sản xuất và tiêu thụ trên diện tích hơn 260ha và cam kết thu mua 100% sản phẩm của nông dân.
Bên cạnh đó, nông dân được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật chăm sóc cây lúa và thu mua cao hơn giá thị trường từ 100 đồng đến 200 đồng/kg lúa.
Đối với cây hồ tiêu, hiện tại địa phương, doanh nghiệp đã triển khai dự án "Phát triển hồ tiêu bền vững tại Việt Nam giai đoạn 2020-2022" tại huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ với 821 hộ trồng hồ tiêu, trên tổng diện tích 820ha.
Theo đó, có 738ha đạt chứng nhận trên hệ thống lưu trữ (SAN). Hợp tác xã nông nghiệp thương mại du lịch liên kết tiêu thụ sản phẩm tiêu trên diện tích 70ha; trong đó có 15ha được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Đối với các loại rau, Công ty cổ phần 4Kfarm đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn các huyện Châu Đức, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ để đầu tư, xây dựng 217 nhà màng, với diện tích 21,7ha, hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm đầu ra cho các hộ sản xuất này với giá cố định, giúp người dân ổn định thị trường, yên tâm sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao.
Sản phẩm rau khi phân phối ra thị trường được đóng gói, dán nhãn truy xuất nguồn gốc và đưa vào hệ thống Bách hóa xanh trong tỉnh, cùng các tỉnh lân cận.
Quá trình sản xuất rau được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất an toàn, nguyên tắc 4 không là không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản, không sử dụng giống biến đổi gen.
Đối với cây cacao, đã được doanh nghiệp thực hiện hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ với diện tích 91ha, hộ trợ tư vấn kỹ thuật và bao tiêu 100% sản phẩm của nông dân.
Toàn bộ diện tích này sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản và sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường này.
Đại diện Chi cục Trồng trọt cho biết, trong thời gian qua, để thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã thúc đẩy và đa dạng các hình thức tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng, cũng như các quy trình sản xuất bắt buộc phải thực hiện.
Từ đó, nông dân mới có thể phối hợp với các đơn vị có liên quan để tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách thức tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng thường xuyên đánh giá, dự báo thị trường cung cầu hàng hóa nông sản, để nông dân kịp thời điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh.
Để hoạt động này hiệu quả, mối tương tác giữa nông dân và cán bộ nông nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện chặt chẽ.
Sau đó là sự kết nối và cung cấp thông tin thị trường để các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt. Có như vậy, mối liên kết tiêu thụ sản phẩm của các thành viên với doanh nghiệp tiêu thụ mới bền vững, sản xuất mới ổn định, dài lâu.
Phú Mỹ