Từ ngày 1/1/2024, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ có hiệu lực với thuế suất nhập khẩu các mặt hàng xăng sẽ từ 5% giảm về 0%. Trước đó, theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, thuế nhập khẩu xăng, dầu từ quốc gia này cũng là 0%. Nghị định 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ cũng có những điểm mới, cho phép các đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy hàng từ 3 nguồn khác nhau.
Tại Việt Nam, hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu trong nước; còn lại chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc, Singapore, Malaysia - các quốc gia áp dụng các Hiệp định thương mại với thuế nhập khẩu xăng dầu bằng 0%. Với các chính sách về thuế, cơ chế nhập khẩu được áp dụng mới đây, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu có xu hướng nhận hàng từ các nhà máy trong nước chậm lại để chờ thời cơ có lợi nhuận tốt hơn từ việc nhập khẩu xăng, dầu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, với bối cảnh thế giới nhiều thay đổi từ các cuộc xung đột, biến động địa chính trị sẽ khiến giá dầu trên thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này có thể khiến gián đoạn việc nhập khẩu xăng, dầu, gây ra tình trạng thiếu hụt cục bộ.
Ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc BSR cho biết, để chuẩn bị cho kịch bản này, BSR thực hiện hàng loạt biện pháp để vận chuyển tối đa có thể lượng hàng cho các khách hàng nhằm hạ tồn kho của nhà máy, kịp thời cung ứng đến thị trường trong bối cảnh nhu cầu tăng cao dịp cuối năm. BSR đã triển khai điều hành linh hoạt trong công tác tiêu thụ sản phẩm, bám sát diễn biến thị trường, khối lượng hàng tồn kho và tiến độ nhận hàng của khách hàng để ứng phó kịp thời khi thị trường phát sinh tình huống bất lợi.
Trước đó, BSR thường xuyên theo dõi, tiến hành phân tích dự báo giá dầu mỏ, cung - cầu của thị trường trong nước để xây dựng các kịch bản kinh doanh, giải pháp ứng phó phù hợp nhằm kiểm soát hiệu quả các rủi ro (nếu có) và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Công ty cũng đẩy mạnh marketing, phát triển thị trường, đặc biệt quảng bá các sản phẩm mới gắn với thương hiệu BSR.
BSR đồng thời đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, tối đa tiêu thụ dầu thô, nguyên liệu trung gian trong nước để tăng lợi ích của chuỗi liên kết trong ngành; từ đó từng bước hình thành và phát huy hiệu quả của các chuỗi liên kết giá trị từ khâu đầu - dịch vụ vận chuyển - chế biến - bao tiêu và phân phối sản phẩm. Doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm các đối tác cung cấp dầu thô, tiêu thụ sản phẩm; không ngừng mở rộng mạng lưới và có quan hệ tốt với các nhà cung cấp và khách hàng tiềm năng, giúp BSR ổn định nguồn cung dầu thô và đầu ra sản phẩm.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, BSR ký hợp đồng term (hợp đồng dài hạn) với khối lượng khoảng 632.100 - 698.600 m3/tháng và cấp hàng liên tục trong năm 2023. Tiếp theo, phù hợp với kế hoạch sản xuất của nhà máy và tình hình thị trường, BSR điều chỉnh lượng term quý IV/2023 với khối lượng khoảng 642.300 - 724.100 m3/tháng để phục vụ nhu cầu cuối năm.
Đối với nhiên liệu máy bay (Jet A1), khối lượng xuất bán Jet A1 khoảng 55.000 - 60.000 m3/tháng. Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu nhiên liệu hàng không sẽ tăng đột biến, BSR tối ưu sản xuất Jet A1 và cấp tối đa để tăng hiệu quả. Bên cạnh đó, BSR đã áp dụng giãn thời hạn thanh toán thêm 15 ngày so với thời hạn của hợp đồng cho năm 2023, đồng hành cùng khách hàng trong bối cảnh ngành hàng không chưa “bình phục” hoàn toàn.
Với vai trò là đơn vị chủ lực trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, BSR đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và đảm bảo nguồn cung năng lượng, đặc biệt là nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa; chủ động thích ứng với sự thay đổi và biến động vĩ mô bằng cách không ngừng tối ưu các quy trình hoạt động, linh hoạt trong kinh doanh để đảm bảo nguồn cung cho thị trường và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
BSR nỗ lực đảm bảo tối đa nguồn cung dầu thô trong nước dài hạn. Theo phân tích từ đại diện công ty, mặc dù BSR đã ký được các hợp đồng dài hạn đối với dầu thô Bạch Hổ, Đại Hùng; tuy nhiên, sản lượng dầu thô dài hạn và ổn định chỉ chiếm khoảng 36%; 64% còn lại BSR phải tự thu xếp thông qua đấu thầu.
“Do đó, nguồn cung dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với diễn biến bất ổn của thị trường trong thời gian qua khi các nguồn cung bên ngoài khủng hoảng, hạn chế”, đại diện BSR chia sẻ.
Vị này bày tỏ mong muốn Nhà máy lọc dầu Dung Quất được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, mức thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu phối trộn cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất nên được xem xét điều chỉnh giảm nhằm linh hoạt khả năng sản xuất xăng dầu của nhà máy.
(Nguồn: Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn)