Thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2023-2025; mới đây, UBND huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn huyện năm 2024.
Bù Gia Mập xác định, việc thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2024, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, việc chuyển đổi số trong xây dựng NTM nhằm từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng thực hiện chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân.
Theo đó, việc chuyển đổi số trong xây dựng NTM năm 2024 được huyện triển khai trên cả 3 trụ cột là phát triển chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn, phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Để triển khai kế hoạch, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng NTM cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Trong đó sẽ đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số như cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu…
Song song đó là đẩy mạnh triển khai trên cả 3 trụ cột. Trước hết là đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường thực hiện cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến toàn trình; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin như lắp đặt wifi miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng, điểm du lịch nông thôn…; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành của cấp xã, đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự...
Bên cạnh đó, huyện sẽ thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, như: Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Và đồng thời huyện sẽ tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng NTM. Theo đó sẽ tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực về chuyển đổi số nông thôn: Tổ chức các đợt tập huấn về kiến thức chuyển đổi số, khả năng tiếp cận thông tin, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, sử dụng mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến… cho người dân, cộng đồng ở nông thôn; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới.
Báo cáo của huyện Bù Gia Mập cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Bù Gia Mập đã đạt được những kết quả tích cực.
Đến nay, bộ mặt nông thôn khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Xây dựng NTM đã được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia và trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, mạnh mẽ, rộng khắp.
Năm 2023, số tiêu chí trung bình của toàn huyện đạt 17,5/19 tiêu chí. Các xã Phú Nghĩa, Đức Hạnh, Đa Kia, Bình Thắng, Phước Minh và Đắk Ơ đạt 19/19 tiêu chí. Riêng 2 xã Đa Kia và Phú Nghĩa đạt chuẩn NTM nâng cao.
Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tính trong 7 tháng đầu năm 2024, huyện Bù Gia Mập đã hoàn thành và vượt 6/10 chỉ tiêu thực hiện của UBND tỉnh giao năm 2024. Một số chỉ tiêu vượt như: tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính vượt 4,3%; tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ trên môi trường mạng vượt 5,3%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa vượt 11,2%; đối với hồ sơ trực tuyến toàn huyện đạt 74,4%; hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 99,2%.
Công tác cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ được chú trọng, thực hiện đầy đủ các quy định về phân cấp quản lý thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao; bố trí sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân; chú trọng đầu tư hạ tầng, áp dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.