Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ), luôn bố trí 5 công chức có trình độ chuyên môn, có tinh thần, trách nhiệm để hướng dẫn người dân tham gia sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4, hướng dẫn người dân tạo tài khoản dịch vụ công cá nhân, nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công, thanh toán không dùng tiền mặt thông qua quét mã QR; hỗ trợ cài đặt Vneid, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2; mở tài khoản chi trả chế độ tại nhà cho các đối tượng bị tàn tật, già yếu, người hưởng chế độ chính sách không thể đi lại được…. 

W-IMG_4255 used Sơn La NTM.jpg
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các xã đều bố trí công chức có trình độ chuyên môn, có tinh thần, trách nhiệm để hướng dẫn người dân tham gia sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4.

Đây là mô hình điểm “Chính quyền thân thiện” được Vân Hồ triển khai với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở; xây dựng phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” hướng đến sự hài lòng của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức. 

Để triển khai thực hiện mô hình này, xã đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng 4 tiêu chí: Nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn, trong giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, xã tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức xã.

Hiện nay, xã Vân Hồ đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số xã với 8 thành viên; 13/13 bản, tiểu khu thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng, mỗi tổ 5 người. 100% số cán bộ, công chức xã được trang bị máy vi tính kết nối internet; 83% dân số có điện thoại thông minh. Cán bộ, công chức xã và nhân dân tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào lãnh đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính.

Ngoài ra, xã đã lập trang thông tin của xã để đăng tải các văn bản chỉ đạo, điều hành, các thủ tục hành chính; lập nhóm zalo cán bộ xã, bản để kịp thời chỉ đạo thống nhất. Hiện nay, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã thực hiện 127 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công để giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân.

Không riêng gì xã Vân Hồ, hiện nay, tại 14/14 xã và 115/115 bản, tiểu khu trên địa bàn huyện Vân Hồ đã thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng, được tập huấn các kỹ năng cơ bản có thể hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận các nền tảng số, dịch vụ công trực tuyến.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ Nguyễn Thanh Hải, cho bết, hiện nay, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn từng bước được huyện đầu tư, mạng di động 4G đến tất cả các xã. Tỷ lệ xã có hạ tầng băng rộng cáp quang đạt 100%. Các xã đều có điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối Internet băng rộng cố định. 100% số cán bộ, công chức cấp huyện, xã được trang bị máy tính có kết nối Internet để phục vụ công việc.

Đồng thời, UBND huyện đã triển khai 210 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh số hóa dữ liệu, chữ ký số, quy trình thực hiện từng bước số hóa, đảm bảo phù hợp yêu cầu, tiêu chuẩn. Sử dụng chữ ký số trong Hệ thống quản lý văn bản điều hành đạt 99,65% số văn bản; 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các xã sử dụng chữ ký số trong ban hành các văn bản. Hồ sơ được số hóa, cấp huyện đạt tỷ lệ 96,2%; cấp xã đạt tỷ lệ 94,7%.

Tại Sơn La, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở khu vực nông thôn, nhất là xây dựng nông thôn mới, ngày 15/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025.

Thời gian qua, Sơn La đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới là một trong những nội dung được tỉnh Sơn La quan tâm triển khai thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.

Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Sơn La liên thông, đồng bộ cả 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã; đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đồng thời kết nối đầy đủ, toàn diện, liên tục với Hệ thống EMC. Duy trì tích hợp 573 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Theo ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông, đến nay, toàn tỉnh có 46,32% số hộ gia đình có thuê bao cáp quang; 99,15% dân số được phủ sóng 4G; 98,5% số bản được phủ sóng băng rộng di động 4G; 47,22% dân số sử dụng Internet; tỷ lệ hộ có điện thoại thông minh đạt 92,5%... 

Để tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, thời gian tới, Sơn La sẽ nỗ lực đầu tư và hoàn thiện trang thiết bị, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.