Bức tranh Covid-19 trái ngược giữa Nhật Bản và phần còn lại của châu Á. Ảnh: Reuters |
Số ca mắc Covid-19 ghi nhận hàng ngày tại Nhật Bản hiện chỉ ở mức vài ca trên 1 triệu dân, thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn ngoại trừ Trung Quốc, và tỷ lệ tử vong do Covid-19 cũng về mức 0 liên tiếp trong những ngày gần đây.
Hàn Quốc, với độ phủ vắc xin tương tự, lại đang ghi nhận số ca mắc mới ở mức kỷ lục. Số ca mới vẫn ở mức cao tại Singapore và đang gia tăng trở lại tại Australia trong bối cảnh giới chức đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ về đi lại.
Một giả thuyết mới để giải thích sự khác biệt này là loại virus SARS-CoV-2 chiếm ưu thế ở Nhật Bản đã tiến hóa theo cách làm ngắn mạch khả năng tái tạo của nó.
Ituro Inoue, một giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản, cho rằng biến thể phụ của Delta, được gọi là AY.29, hiện nay có thể mang lại một số khả năng miễn dịch trong dân số.
“Tôi nghĩ biến thể AY.29 đang bảo vệ chúng tôi khỏi biến thể khác. Tôi không tự tin hoàn toàn về điều này”, ông Inoue nói, đồng thời bày tỏ thận trọng rằng nghiên cứu của ông vẫn chỉ mang tính giả thuyết.
Paul Griffin, Giáo sư tại Đại học Queensland nói rằng, sự khác biệt về số ca mắc mới giữa các nước có một phần lý do từ sự kết hợp giữa yếu tố thời tiết, mật độ dân số và các chiến lược chống Covid-19 tại Nhật Bản.
“Chúng ta cần phải tìm cách học hỏi từ các nước khác, kinh nghiệm của nước này có thể không hoàn toàn đúng với nước khác, vì các yếu tố đều có thể thay đổi. Các nước sử dụng nhiều chiến lược ngoài tiêm chủng để ngăn chặn sự lây lan, dù đó là các biện pháp đơn giản như rửa tay thường xuyên, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, bất kể là bắt buộc hay chỉ khuyến khích”, ông Griffin nói.
Nhật Bản không phong tỏa theo cách mà nhiều nước đã làm, nhưng cũng không từ bỏ các yêu cầu phòng dịch hay các hạn chế biên giới được áp dụng trước khi có vắc xin.
“Đeo khẩu trang và thói quen vệ sinh cá nhân vẫn được duy trì và là một yếu tố quan trọng. vắc xin là một khía cạnh thiết yếu trong phòng chống dịch bệnh nhưng không phải là viên đạn bạc”, ông Kazuaki Jindai, nhà nghiên cứu Đại học Tohoku cho biết.
Một số người cho rằng, tốc độ giảm số ca mắc Covid-19 ở Nhật Bản là vấn đề thời gian. Việc Nhật Bản bắt đầu chiến dịch tiêm chủng muộn có nghĩa là hiệu lực của các mũi tiêm vẫn còn mạnh. Một số người lại cho rằng đó là xu hướng theo mùa, do virus có xu hướng phát triển và giảm trong khoảng thời gian hai tháng.
Mùa đông đang đến
Nhật Bản đang bước vào những tháng mùa đông, khoảng thời gian mà năm 2020 nước này đã chứng kiến một đợt bùng phát chết người ở khu vực miền Bắc có thời tiết lạnh hơn. Thủ tướng Fumio Kishida đã ra lệnh đóng cửa biên giới vào tuần trước để ngăn chặn biến thể Omicron. Cho đến nay, Nhật Bản đã phát hiện 4 trường hợp nhiễm biến thể mới.
Trái ngược với bức tranh ở Nhật Bản, Australia đang chuẩn bị kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế. Hiện giờ nước này đã đạt được các mục tiêu tiêm chủng và cùng với các liệu pháp điều trị Covid-19. Theo ông Griffin, giờ là thời điểm Australia có thể chấp nhận sự gia tăng số ca mắc Covid-19 một cách có mục đích.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida cho rằng, cho dù nguyên nhân dẫn tới số ca mắc Covid-19 tại Nhật Bản giảm mạnh là gì, điều quan trọng là phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Các đợt tiêm nhắc lại bắt đầu vào tuần trước và chính phủ đã tăng công suất bệnh viện thêm 30% kể từ khi một số bệnh nhân tử vong tại nhà trong làn sóng Covid-19 thứ 5 hồi tháng 8 vừa qua - đợt dịch tồi tệ nhất tại Nhật Bản từ trước tới nay.
Nhà nghiên cứu Jindai hoan nghênh các biện pháp chuẩn bị của Nhật Bản, nhưng đặt câu hỏi chúng sẽ được thực hiện như thế nào và liệu nước này có thể tăng cường quản lý dữ liệu chăm sóc sức khỏe hay không, bởi đây vốn là một điểm yếu.
“Nếu các giường ICU đều bị lấp đầy, điều đó có nghĩa là hệ thống chăm sóc sức khỏe cấp dưới sẽ bị ảnh hưởng. Cho đến khi chúng ta đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ 6, chúng ta cũng không thể chắc chắn liệu các biện pháp đó có hiệu quả hay không”, ông Jindai, hiện là bác sỹ tại tỉnh Kanagawa, phía nam Tokyo, nhấn mạnh.
Theo VOV
Nhật Bản thắt chặt kiểm soát biên giới vì biến thể Omicron
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, nước này sẽ thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới vì biến thể Omicron của Covid-19.