Dịch COVID-19 khiến các giao dịch truyền thống giảm, ngược lại tốc độ tăng trưởng của các giao dịch thương mại điện tử bứt phá. Hoạt động mua bán trên mạng xã hội ngày càng bùng nổ kéo theo việc các đối tượng lập nhiều tài khoản Facebook, Zalo… chụp ảnh sản phẩm, dùng địa chỉ bán hàng không rõ ràng, phát hình trực tiếp (livestream) và đăng bài quảng cáo về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... không đúng với bản chất thật của hàng hoá.

{keywords}
Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: LĐO

“Ma trận” hóa mỹ phẩm

"Mỹ phẩm thiên nhiên" là cụm từ khóa thu hút được sự quan tâm tuyệt đối của chị em phụ nữ khi tìm kiếm mỹ phẩm để làm đẹp. Trên mạng xã hội và các diễn đàn mua bán online, các loại mỹ phẩm được quảng cáo sử dụng nguyên liệu từ thảo dược để chăm sóc da như mặt nạ, kem dưỡng da, sữa rửa mặt… được rao bán tràn lan.

Một phép thử đơn giản, vào Google gõ từ khóa: “Mỹ phẩm giá rẻ”, chỉ trong 0,71 giây có đến 57.900.000 kết quả liên quan. Tương tự, với từ khóa “Mỹ phẩm xách tay” chỉ với 0,74 giây có đến 24.600.000 kết quả liên quan. Cùng với những con số “ấn tượng” là vô số trang mạng rao bán mỹ phẩm, nguồn gốc xuất xứ mỹ phẩm theo các trang mạng này cũng rất đa dạng, từ hàng xách tay từ Đức, Pháp, Mỹ cho đến Nhật, Hàn Quốc... Hầu hết không thấy trang mua bán nào thể hiện mỹ phẩm xách tay từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số cán bộ phụ trách công tác chống hàng giả, hàng nhái cho biết, hầu hết mỹ phẩm xách tay rao bán trên mạng và các shop trên các phố là hàng “Made in China”. Hình ảnh sản phẩm giới thiệu trên các trang mạng chỉ mang tính minh họa, cho hấp dẫn.

Cách đây mấy ngày, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì phối hợp với Công an huyện Văn Lãng, Đồn Biên phòng Tân Thanh tiến hành kiểm tra phát hiện 5.400 lọ dầu dưỡng tóc Zhidaishi, loại 70 ml/lọ; 1.824 lọ sữa tắm Joeeyloves, loại 500ml/lọ tại kiốt B7/CQ10, chợ bán buôn 1, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, trị giá ước tính trên 260 triệu đồng.

Hay vào ngày 19.5, lực lượng quản lý thị trường huyện Bắc Sơn đã tổ chức kiểm tra và phát hiện 37 lọ kem dưỡng da, nhãn hiệu Bodygel, loại 100ml/lọ nhập lậu, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, có địa chỉ tại: Kiốt số 34, chợ Trung tâm thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, do bà Dương Thị Dinh làm chủ. Tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Không chỉ phức tạp ở khu vực biên giới, ở trong thị trường nội địa, khi hoạt động thương mại điện tử nở rộ, xuất hiện thủ đoạn mới là các đối tượng lập nhiều tài khoản Facebook, Zalo… chụp ảnh sản phẩm, dùng địa chỉ bán hàng không rõ ràng, phát trực tiếp (livestream) và đăng bài quảng cáo về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không đúng với bản chất thật của hàng hoá.

Cùng với đó là sự phát triển của dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế, dịch vụ giao nhận hàng tại nhà với đội ngũ shipper (người giao hàng) đông đảo, các đối tượng đã lợi dụng để đưa hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả vào các kho chứa bưu kiện, bưu phẩm. Đây là ranh giới không rõ ràng cho việc xác định trách nhiệm của chủ thể đối với hàng hóa vi phạm, đối tượng thường lợi dụng để tiêu thụ, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng gây khó khăn cho kiểm soát, kiểm tra, xử lý.

Cẩn trọng quảng cáo hàng “xách tay”

Chị Võ Thu Hương (31 tuổi ở phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội) là người vừa trải qua một đợt điều trị da dài ngày vì đã mua và sử dụng mỹ phẩm gắn mác thiên nhiên trên mạng xã hội.

Theo lời chị Hương, sản phẩm chị mua bao gồm combo 3 sản phẩm, lột nhẹ da mặt, mặt nạ ngủ và kem dưỡng da ban đêm. Sau một thời gian dùng, tình trạng da ngày một xấu đi, chị bắt buộc phải điều trị tại một trung tâm chăm sóc da tại Hà Nội. Nguyên nhân là do chị đã dùng mỹ phẩm không an toàn, đặc biệt là da chị đã bị “nhiễm độc” vì các thành phần gây hại có trong mỹ phẩm.

Đáng chú ý là không có nhiều vụ khiếu nại liên quan mỹ phẩm “dỏm” do người dùng mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, mua qua mạng nên khi xảy ra sự cố, hàng kém chất lượng, mỹ phẩm gây dị ứng, viêm da, tổn hại sức khỏe cũng không biết khiếu nại, kiện công ty nào.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg (năm 2020) về tăng cường chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt hàng là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền, kết quả đấu tranh đã có những chuyển biến rất rõ.

Đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, công tác kiểm soát các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu đối với người, phương tiện, hàng hóa tại các các cửa khẩu, khu vực biên giới, cảng hàng không, cảng biển được siết chặt. Do vậy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng trên có chiều hướng giảm mạnh.

Cũng theo Ban Chỉ đạo 389, số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp, trang cá nhân trên mạng xã hội không chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin, quảng cáo hàng hóa sản phẩm, bán hàng không đảm bảo chất lượng diễn ra phổ biến.

Tình trạng cá nhân phát hình trực tiếp (livetream) quảng cáo bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngày càng nhiều, việc phát hiện, ngăn chặn các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn do tính chất linh hoạt của trang điện tử, mạng xã hội là dễ dàng đăng phát nhưng cũng dễ dàng gỡ bỏ, giúp đối tượng xóa bỏ dấu vết, chứng cứ.

Trước tình hình trên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề xuất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lực lượng chức năng, đặc biệt là các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, kịp thời đưa ra các khuyến cáo, dấu hiệu nhận biết đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Theo Lao động online