BBC News đưa lên một tiêu đề mạnh mẽ: “Sếp” khí hậu Âu châu ca ngợi tiến bộ khí thải toàn cầu. Vị “Sếp” đó là ông Miguel Arias Canete, người Phụ trách Chương trình hoạt động châu Âu về Khí hậu và Năng lượng hướng đến Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP-21 tại Paris cuối năm 2015 này.
Các hoạt động của nhà quản lý, nhà khoa học Miguel Arias Canete và những ý kiến đánh giá của ông đã được Cây bút chuyên về môi trường Roger Harrabin giới thiệu.
Nhà báo Roger Harrabin cho biết, ông Miguel Arias Canete rất đỗi ngạc nhiên trước những nỗ lực và tiến bộ của các chính phủ hướng tới mục tiêu thỏa thuận toàn cầu về vấn đề khí thải nhà kính CO2.
Ông Miguel Arias Canete đang nói về hội nghị khí hậu Paris. Ảnh: Nguồn AP. |
Ông Canete nói: thật là "quá ngạc nhiên" trước sự kiện có đến 149 quốc gia đã công bố kế hoạch cắt giảm lượng khí thải nhà kính carbon. Ông nói với BBC News rằng sáu tháng trước đây thậm chí ông đã không tin cam kết đó sẽ xuất hiện.
Ngoài ra, các quốc gia còn lại vẫn đang tiếp tục công bố kế hoạch trước khi Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu Paris diễn ra.
Tuy nhiên, ông Miguel Arias Canete vẫn cảnh báo rằng cam kết của các quốc gia vẫn chưa đạt đến mức cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa với sự nóng lên của khí hậu toàn cầu đang tiềm tàng.
Dù vậy, ông Canete vẫn lạc quan: "Có rất nhiều, rất nhiều lý do để vui vẻ. Sự kiện 149 quốc gia đến nay đã đệ trình với Liên Hợp Quốc bản kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính, chống lại sự nóng lên toàn cầu là điều đáng kinh ngạc…”. Hơn nữa, trong số 149 nước kể trên có nhiều nước có vai trò chủ chốt trong quá trình làm biến đổi khí hậu, chính là “những nước đã sản sinh đến gần 90% tổng lượng khí thải toàn cầu”.
Rõ ràng, đây là một nỗ lực lớn, một bước tiến lớn nếu “đem so sánh với Nghị định thư Kyoto trước đây (một cố gắng đầu tiên thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu) chỉ mới có 35 quốc gia ghi danh và chỉ chiếm non 14% tổng lượng khí thải toàn cầu”.
Sự so sánh trên, rõ ràng khá đáng ngạc nhiên. “Nhưng điều quan trọng nhất là các cam kết không chỉ là con số hoặc các mục tiêu. Nó cho thấy rõ các nước đang phát triển các chính sách về khí hậu một cách rất toàn diện.”, lời nhà khoa học, “sếp” Miguel Arias Canete.
Mục tiêu từ dưới lên?
Ông “sếp” Canete cho rằng, thay vì trong một hội nghị của Liên Hợp Quốc (như COP-21 Paris 2015) mục tiêu thường áp đặt từ trên xuống, nhưng giờ đây các chính phủ lại tình nguyện hoạch định hành động riêng của mình và từ dưới trình lên.
Ông nói: "Không có thể tự mãn. Trong trường hợp chúng ta duy trì hoạt động kinh doanh một cách bình thường (lượng khí thải carbon luôn tăng như từ trước đến nay – M.T.), nhiệt độ toàn cầu sẽ gia tăng trong khoảng 3,8 và 4.7C".
"Chúng tôi ước tính rằng với các cam kết hiện tại, nhiệt độ gia tăng sẽ đạt trong khoảng 3C tối đa. Đó là một bước tiến lớn, mặc dù rõ ràng nó chưa đủ."
Nhiệt độ tăng tối đa “an toàn” nói chung được chấp nhận (và đang và sẽ phấn đấu tích cực –M.T.) là tăng 2 độ C, mặc dù một số quốc gia dễ bị tổn thương nói điều này là không an toàn cho họ. Hội nghị Rabat (cuộc họp chuyên gia ở Rabat, Morocco) do các nước EU tổ chức từ Thứ Hai 12/10/ 2015 đến Thứ Ba 13/10/2015) sẽ công bố ước tính tốt nhất của mình vào sự tăng nhiệt độ toàn cầu dựa trên các cam kết quốc gia.
Nữ Giáo sư Jacquie McGlade, giám đốc khoa học của chương trình môi trường (UNEP) của LHQ nói với BBC News: "Tôi rất ngạc nhiên một cách tích cực khi nhìn thấy các thủ tục bình thường cho những sự kiện này đã được các chính phủ đưa ra cọ xát và đấu tranh trên bàn.
"Quả là điều tốt khi các nước chứng kiến các “cầu thủ” lớn (EU, Mỹ) đưa các con số đặt trên bàn, họ sẽ nhìn theo và làm theo.
"Một số quốc gia, dù đã gửi bản cam kết của mình, nhưng khi nhìn thấy số liệu cam kết của các nước khác, họ đã lấy lại sửa sang và rồi lại nộp lên với tham vọng đạt vị trí cao hơn. Điều đó nói với mọi người là đang có một cuộc chạy đua vào top, chứ không phải về đáy."
Giáo sư McGlade, có trụ sở tại Nairobi, cho biết châu Phi đã phải chịu những hậu quả của biến đổi khí hậu và quyết tâm tự giải quyết vấn đề của chính họ.
Charles Sena Ayenu, một doanh nhân về năng lượng mặt trời ở Ghana đang tham gia các cuộc họp chuyên gia ở Rabat, Morocco nói: "Vẫn còn công việc phải làm, nhưng tôi thấy rất lạc quan, rất nhiều hứng thú và niềm đam mê - không chỉ từ các chính phủ, nhưng từ khu vực tư nhân như chúng tôi. "
Các ý kiến tích cực được xác định dựa trên kỳ vọng rằng các quốc gia sẽ thực sự thực hiện lời hứa của họ. Những điều này trái với các kết luận của một báo cáo mới đây của Cựu Giám đốc ngành năng lượng nước Anh, nhà khoa học David Mackay, trong đó khẳng định rằng các cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc phải chịu thất bại vì các nước sẽ làm càng ít càng tốt.
Ông Canete cũng nhấn mạnh thêm rằng làn sóng tích cực thực hiện các cam kết hiện nay là điểm khởi đầu, chứ không phải là điểm kết thúc.
Sự nhấn mạnh như vậy là hợp lý và thực tế. Những khó khăn gì sẽ xuất hiện, các bất đồng nào sẽ nảy sinh trong thời gian sắp tới, trước và trong khi Hội nghi Thượng đỉnh Paris COP-21 chính thức diễn ra.
Những câu hỏi đã được nêu lên như “các bản cam kết từ các quốc gia riêng rẻ đã và đang được công bố” phải chăng còn quá cố thủ trong quyền lợi riêng thay vì tập trung vào mục tiêu chung toàn thế giới”.
Hoặc vấn đề giá tính bằng tiền về ô nhiễm carbon chưa được thống nhất giữa các nước, trong đó có các nước đã nộp bản cam kết gửi Hội nghị Paris COP-21. Giải quyết điều này sẽ giúp so sánh chính xác mức độ đóng góp giữa các quốc gia vào sự nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời sẽ có phương án khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng khí thải của mình.
Các ý kiến trên đây được xem là đã từng đề cập đến bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Vương quốc Anh), Đại học Maryland (Mỹ) và Đại học Cologne (Đức) trên tạp chí Nature.
Minh Trần