Thông tư liên tịch giữa Bộ TT&TT và Bộ KH&CN hướng dẫn trình tự, thủ tục buộc trả lại hoặc thu hồi những tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, cũng như vi phạm về nội dung thông tin đăng tải trên website đi kèm tên miền (nói xấu, bôi nhọ, phản cảm...)

Lễ ký Thông tư liên tịch hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn ra sáng nay, 8/6, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh tại Lễ ký Thông tư liên tịch.

Thông tư gồm 4 chương với 16 điều, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đăng ký và sử dụng tên miền “.vn”; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng tên miền “.vn”; Các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về SHTT theo quy định của pháp luật và cơ quan quản lý tên miền; Nhà đăng ký tên miền “.vn”.

Thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi thông tin tên miền, buộc trả lại tên miền hoặc thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về SHTT đối với chủ thể sử dụng tên miền “.vn” vi phạm về nội dung thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử (Website) đi kèm theo tên miền với dụng ý xấu như bôi nhọ, nói xấu, gây ảnh hưởng xấu, phản cảm, hoặc chào bán sản phẩm, hàng hóa vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ.

Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, thời gian qua, nhiều tên miền vi phạm bị yêu cầu trả lại tên miền hoặc thay đổi tên miền, tuy nhiên việc này không được các tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện. Khi Bộ KH&CN chuyển vụ việc sang các nhà quản lý tên miền để thu hồi, tịch thu thì lại gặp khó khăn do chưa có hướng dẫn, trình tự phối hợp giữa các bên.

"Hy vọng rằng sau khi ban hành Thông tư, sự phối hợp giữa hai Bộ trong vấn đề này sẽ đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh Hiệp định TPP sắp có hiệu lực chính thức", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Được biết, Thông tư xác định rất rõ cơ chế phối hợp khi xử lý vi phạm hành chính đối với tên miền vi phạm pháp luật SHTT để giải quyết triệt để các vi phạm pháp luật SHTT liên quan đến thẩm quyền quản lý của hai Bộ. Việc phối hợp được thực hiện trên cơ sở các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xử lý tên miền vi phạm pháp luật SHTT độc lập, tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đồng thời có thể tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý tên miền để đảm bảo việc xử lý của các cơ quan chức năng đúng người, đúng việc và có tính khả thi cao.

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá đây là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, đảm bảo cho công tác quản lý và phối hợp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật SHTT liên quan đến tên miền được thực hiện triệt để hơn, góp phần bảo vệ quyền SHTT đã được bảo hộ của các chủ thể quyền sau khi ban hành.

Thời gian qua, một mặt trái của việc Internet phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống chính là việc những vi phạm pháp luật về SHTT trên không gian mạng cũng không ngừng gia tăng. Hiện tại, các quy định xác định các hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ liên quan đến tên miền, cũng như các biện pháp xử lý tương ứng đã được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị định số 99/2013 của Chính phủ hay Nghị định số 174/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Chính vì thế, việc xử lý tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả hai Bộ TT&TT, Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.

"Với tinh thần là Thông tư ban hành phải đi vào thực chất, đi vào cuộc sống và đảm bảo xử lý được triệt để, rõ ràng các trường hợp phải thu hồi tên miền, hai Bộ đã thống nhất được nguyên tắc làm việc, quy trình phối hợp xử lý vi phạm một cách cụ thể nhất. Dự thảo cũng được lấy ý kiến đóng góp đầy đủ không chỉ từ các Bộ, ngành mà còn từ các doanh nghiệp, văn phòng Luật sư, hiệp hội, tổ chức, cá nhân liên quan. Điều này cho thấy 2 Bộ rất quan tâm đến tính khả thi của Thông tư liên tịch và coi trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan", Thứ trưởng chia sẻ.

T.C