Anh Quốc Vũ (ngụ quận 11) cho biết, anh ủng hộ việc phạt nặng khi lái xe có nồng độ cồn. Anh chấp nhận đi xe ôm hoặc taxi để về nhà sau khi nhậu. Tuy nhiên, việc uống bia rượu từ ngày hôm trước rồi hôm sau đi làm có thể vẫn còn nồng độ cồn nên anh tìm mua máy đo để biết nồng độ của mình.
“Biết được nồng độ cồn thì mình mới dám chạy xe ra đường. Đôi khi mình nghĩ là mình tỉnh táo nhưng chưa chắc nồng độ cồn đã hết nên tôi muốn mua máy đo nồng độ cồn cho chắc”, anh Vũ nói.
Người dân TPHCM đến các cửa hàng để tìm mua máy đo nồng độ cồn. Ảnh: Đại Việt |
Tại TPHCM, máy đo nồng độ cồn đang được bày bán rất nhiều với mức giá từ vài trăm ngàn đồng đến 3 – 4 triệu đồng/chiếc. Thậm chí, có những máy đo nồng độ cồn giá hơn 40 triệu đồng.
Trong vai khách hàng, chúng tôi gặp ông Kiệt, đại diện một doanh nghiệp chuyên bán thiết bị đo nồng độ cồn trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình).
Ông Kiệt chia sẻ, loại máy đo nồng độ cồn rẻ nhất của công ty có giá khoảng 1,7 triệu đồng/chiếc có xuất xứ từ Hàn Quốc và được bảo hành 12 tháng. Máy có độ chính xác chênh lệch từ 0,001 – 0,005mg/l. Máy sử dụng pin, phát tiếng kêu cảnh báo khi phát hiện nồng độ cồn và tự động tắt nguồn.
“Công ty tôi có nhiều loại lắm, loại 7 – 8 triệu đồng cũng có mà loại hơn 40 triệu đồng cũng có. Loại hơn 40 triệu đồng có xuất xứ từ Mỹ, bảo hành 12 tháng. Máy có 2 chế độ hoạt động là dùng ống thổi và không dùng ống thổi. Độ chính xác lên tới 0,002mg/l”, ông Kiệt nói.
Theo ông Kiệt, loại máy đo nồng độ cồn “xịn” nói trên có thể lưu trữ 10.000 kết quả đo, lưu được tên người bị kiểm tra, lưu thời gian kiểm tra, địa điểm kiểm tra và người kiểm tra. Bộ phụ kiện kèm theo máy còn có máy in kết nối không dây đồng bộ với máy đo, sạc pin máy in, ống thổi, giấy in nhiệt, tem và giấy chứng nhận kiểm định…
Máy đo nồng độ cồn tại TPHCM có rất nhiều loại, từ "bình dân" đến cao cấp, loại nào cũng có. Ảnh: Đại Việt |
Cũng theo ông Kiệt, trong vài ngày qua, máy đo nồng độ cồn dưới 2 triệu đồng/chiếc là loại bán chạy nhất. Doanh thu cửa hàng đã tăng 5-7 lần so với ngày thường.
Đại diện nhiều cửa hàng kinh doanh máy đo nồng độ cồn tại TPHCM cho biết, doanh thu của họ cũng đang tăng đột biến. Mỗi ngày có thể bán vài chục chiếc máy đo nồng độ cồn, trong khi trước đây chỉ bán khoảng vài chiếc/ngày.
Trên các sàn thương mại điện tự, máy đo nồng độ cồn cũng được bán tràn lan. Nhiều loại máy đo chỉ có giá từ 160.000 – 185.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, các loại máy này đều không được ghi rõ xuất xứ. Một số loại máy đo có giá từ 500.000 – 3 triệu đồng có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TPHCM, việc người dân có nhu cầu mua máy đo nồng độ cồn là điều bình thường. Đây là nhu cầu chính đáng. Người dân có quyền mua những sản phẩm cần thiết để phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, không có máy đo nồng độ cồn nào tốt hơn sự tỉnh táo của người dân. Người dân là người biết rõ nhất là mình có nồng độ cồn hay không có nồng độ cồn.
Hiện nay, các máy đo nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông chủ yếu được nhập từ Đức, Úc và thỏa mãn các tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Cảnh sát giao thông tại TPHCM kiểm tra nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm. Ảnh: Hoàng Thuận |
Cũng theo thượng tá Nguyễn Quang Nhật, nhiều người dân lo lắng về việc ăn hoa quả, uống siro trước khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên. Cục Cảnh sát giao thông đã kiểm tra 150 lần với người ăn nhiều loại hoa quả khác nhau, sau đó dùng máy đo được kiểm định cho thấy hơi thở không có nồng độ cồn.
Đối với trường hợp uống siro ho, máy báo chỉ số nồng độ cồn ở mức 1,2 miligam/lít khí thở. Thế nhưng chỉ sau 5 phút hoặc sau khi tài xế uống nước và đo lại thì không còn nồng độ cồn.
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong một tuần xử lý vi phạm nồng độ cồn trên toàn quốc, lực lượng chức năng đã xử phạt gần 3.800 trường hợp vi phạm, trong đó phần lớn là người điều khiển xe máy, nộp kho bạc Nhà nước 12 tỷ đồng.
(Theo Dân trí)