Một người ngày chẻ 2.000 lạt

Làng Lê Xá (Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội) nổi tiếng với nghề truyền thống chẻ lạt để làm quạt, làm chổi, lạt gói bánh chưng, bánh giò. Hàng năm, cứ vào tháng 12 âm lịch, người dân lại bước vào cuộc chạy đua nước rút phục vụ Tết cổ truyền.

Các thương lái chuyên cung cấp nguyên vật liệu chẻ lạt đánh xe từ các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái giao hàng đến tận nhà cho khách mua. Thợ chẻ rất chuộng giang, nứa ở các vùng này bởi ống chẻ thẳng băng, to, xanh và dài nên sẽ tạo ra những sợi lạt hảo hạng.

Giá mỗi cây giang dao động từ 15.000-20.000 đồng, cây to tiền to, cây nhỏ tiền nhỏ. Giang được xếp thành từng bó, mỗi bó gồm 20 cây, một cây thường được chia thành 2 ống chẻ. Trung bình cứ một ống giang sẽ cho ra 100-150 chiếc lạt.

Đặc biệt, đối với lạt dùng để gói bánh chưng to, người dân thường phải chẻ bằng nứa, bởi loại cây này có tính dẻo cao, độ dài, độ đàn hồi tốt hơn giang. Nứa sẽ được bán theo cân chứ không bán theo cây, lái buôn thường pha nứa thành từng mảnh rồi xếp lại thành bó. Giá nứa là 12.000 đồng/kg, một bó nứa thường nặng 25-30 kg. Với tốc độ của thợ chẻ lạt Lê Xá mỗi ngày một người sẽ chẻ được hơn 10kg và cho ra hơn 2.000 sợi lạt.

{keywords}
Giang và nứa là nguyên liệu chính dùng trong chẻ lạt được thu mua từ vùng Tuyên Quang, Yên Bái

Số tiền lãi vì thế cũng phụ thuộc phần lớn vào định mức mà người thợ đặt ra. Chẻ được càng nhiều lạt thì thu nhập càng cao và ngược lại. Thường thì, mỗi thợ chẻ lạt ở Lê Xá qua vụ Tết đều kiếm được từ 5-7 triệu đồng.

Giá lạt bán buôn được chẻ bằng giang là 80.000 đồng/vạn, bán lẻ là 100.000 đồng/vạn. Còn nứa sẽ được giá hơn khi bán ra thị trường luôn nằm ở mức 150.000 đồng/vạn.

Để làm ra được những sợi lạt hảo hạng thì yêu cầu ống chẻ phải mềm, dài và đàn hồi tốt, bởi vậy khi đi mua cây thợ lạt thường lựa rất kỹ.

Hình mẫu của ống chẻ lý tưởng phải dài 75-80 cm, thân ống thẳng tấp, màu xanh tươi và không có lỗi. Tốt nhất là kén được loại nứa rừng non có mùi thơm nhẹ, vừa dễ chẻ, vừa dẻo, vừa đẹp, vừa dai. Muốn kiểm tra chất lượng nứa, thợ chẻ chỉ cần cầm sống dao gõ nhẹ vào thân cây là phân biệt đâu là “vàng thau”. Bởi vậy, mỗi đợt hàng về mà có nứa non, thợ lạt như bắt được vàng, tranh nhau mua tới tấp.

Cô Đỗ Vân (Lê Xá), người có thâm niên hơn 50 năm trong nghề, cho biết, năm nào cô cũng cố gắng đặt mua bằng được ít nứa non về chẻ. Loại này khi chẻ rất sướng tay vì ống xịn nên đường dao đi cũng sắc gọn, đường nét, còn gói bánh thì lên dây căng, sáng, đúng chuẩn.

“Ngày trước, những đứa trẻ ở làng Lê Xá như tôi mới 12-13 tuổi đã bắt đầu học chẻ lạt, phân biệt các loại ống giang, nứa. Nên giờ chỉ nhìn qua cũng có thể phân biệt được đâu là hàng tốt, hàng hiếm” - cô Vân nói.

{keywords}
Trung bình cứ 1 ống giang chẻ được 100-150 chiếc lạt

Để trở thành thợ chẻ chuyên nghiệp, người học phải trải qua quá trình huấn luyện lâu dài. Học từ cách chọn cây, bào vỏ, tước sợi và phơi khô. Đặc biệt, khâu tước sợi và phơi khô là quan trọng nhất. Muốn có được chiếc lạt mỏng tang, khi chẻ phải vô cùng khéo léo. Muốn giữ được lạt luôn trắng, không bị mốc, mối mọt thì khi phơi sấy phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt.

Trong đó, thời tiết là nhân tố quyết định đến chất lượng lạt. Nếu thuận buồm xuôi gió, tiết trời nắng ráo thì khi phơi lạt sẽ có màu đẹp tự nhiên, trắng sáng, hương thơm dịu. Còn gặp trời mưa, nếu không bảo quản tốt sẽ gây ra hiện tượng nấm mốc, đứt gẫy lạt. Bởi vậy, người thợ chuyên nghiệp phải là người hiểu rất rõ các thuộc tính về lạt để để có thể ứng phó với những tình huống phát sinh.

Mòn tay, tóe máu vì chẻ lạt

Một trong những bí kíp nữa khiến lạt Lê Xá vang danh là nhờ kỹ thuật điêu luyện của người chẻ, khi chẻ kết hợp nhuần nhuyễn được cả chân, tay, răng.

Các ống nứa sẽ được cạo sạch hết lớp vỏ xanh bên ngoài, sau đó, người thợ sẽ dùng những con dao nhỏ sắc nhọn lướt trên bề mặt thân ống, pha thành những thanh nhỏ. Tiếp đến, người chẻ sẽ dùng dao khứa từng rãnh nhỏ trên đầu ống, rồi dùng lực ở tay kéo mạnh theo chiều từ trên xuống dưới. Đồng thời, miệng ngậm chặt, định vị đầu sợi và tách mạnh, thế là có sợi lạt mỏng dính, nhỏ xinh.

Trước khi phơi, thợ chẻ thường túm cả bó lạt vừa chẻ rũ mạnh xuống đất để loại bỏ những chiếc lạt ngắn, gẫy, không đủ yêu cầu, rồi mới mang ra dây treo.

{keywords}
Bàn tay tóe máu, sần sùi vì chẻ lạt

Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Tịnh - người có 72 năm trong nghề - nhận định, ngoài kỹ thuật tốt thì chưa đủ, thợ chẻ lạt phải có tính kiên trì, nhẫn nại. Lúc mới chẻ chưa quen, đầu ngón tay sẽ thường xuyên bị dao cứa, lâu ngày sẽ bị mòn hết tay, đỏ ửng và phỏng rát.

“Thanh nứa rất sắc, dù cẩn thận tới đâu cũng dễ bị đứt tay, bởi thế mà bàn tay thợ chẻ lạt thường chằng chịt vết sẹo ngang dọc. Khổ nhất là vào mùa đông, nứa cứa vào tay máu chảy một xíu thôi là cảm tưởng như muốn cắt da cắt thịt. Đau nhức cả đêm. Nên để giảm thiểu vết thương, thợ chẻ thường phải đeo găng tay bảo vệ hoặc quấn giẻ vào đầu ngón tay”, bà Tịnh nói.

Chính vì thế, ở làng Lê Xá, giờ nhiều người cũng chẳng mặn mà với nghề chẻ lạt. Phần lớn thế hệ sau đều thoát ly hết, hơn nữa do thu nhập cũng không cao. Hầu hết thợ chẻ lạt trong làng đều khá lớn tuổi và bà Tịnh đang là người già nhất làng theo nghề.

“Giờ thì đỡ vất hơn trước là ít khi phải đi chợ vì chẻ ra đến đâu là có người đến thu mua đến đó. Nhiều khách quen còn đặt trước hàng, trước tiền để khi lạt chẻ xong chỉ có việc đánh xe đến chở về” - bà Tịnh tâm sự.

{keywords}
Người dân Lê Xá hối hả chẻ lạt gói bánh chưng phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán
{keywords}
Các bước để tạo ra sợi lạt hoàn chỉnh gồm: chặt khúc, cạo vỏ, chẻ sợi, phơi khô
{keywords}
Trung bình mỗi ngày, thợ chẻ được khoảng 2.000 chiếc lạt
{keywords}
Bí kíp để tách được những chiếc lạt mỏng manh, mềm dẻo là khi chẻ phải kết hợp nhuần nhuyễn cả tay, chân, răng
{keywords}
Để lạt luôn trắng, không bị mốc khi phơi sấy phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt
{keywords}
Để tránh bị đứt tay, thợ chẻ lạt phải đeo găng tay
{keywords}
Giá lạt được bán ra thị trường từ 80.000-150.000 đồng/vạn

Hoàng Dung