Công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng là giải pháp ngăn chặn tội phạm mua bán người, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời thể hiện tinh thần nhân văn của Đảng và Nhà nước cũng như toàn xã hội.

Tại Cà Mau, tỉnh đang thực hiện hỗ trợ nạn nhân thông qua nhiều hình thức. Hỗ trợ nạn nhân gắn với công tác tiếp nhận. Phần lớn các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp.

{keywords}
Cà Mau hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng hiệu quả

Dịch vụ hỗ trợ chủ yếu là cung cấp nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội. Đối với các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được hỗ trợ chữa trị ban đầu; trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về gia đình.

Hỗ trợ tại cộng đồng: hỗ trợ pháp lý (làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh), học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hóa và bảo vệ nạn nhân tố giác tội phạm.

Nạn nhân sau khi được tiếp nhận tại cơ sở bảo trợ xã hội/cơ sở hỗ trợ nạn nhân được xem xét, trợ cấp quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết. 

Đối với nạn nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế, trong thời gian lưu trú tại cơ sở được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Hỗ trợ tiền thuốc thông thường. Được tư vấn tâm lý, tham vấn cá nhân và nhóm; giới thiệu và liên hệ với các trung tâm trợ giúp pháp lý để giúp nạn nhân tìm hiểu về các quy định của pháp luật, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của họ.

Đánh giá khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân về mức độ ổn định tâm lý, định hướng việc làm, quan hệ gia đình, môi trường cộng đồng, kỹ năng phòng ngừa tái bị mua bán.

Qua đánh giá, các trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về được cung cấp nơi ăn nghỉ, tư vấn tâm lý xã hội và được tiếp cận với các dịch vụ ngoài trung tâm để học văn hóa, học nghề hoặc khám chữa bệnh theo nhu cầu và khả năng của đối tượng. Các nạn nhân được hưởng các dịch vụ này đạt tỷ lệ cao về hòa nhập cộng đồng. 

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp trên, bên cạnh đó là triển khai thí điểm các mô hình hỗ trợ hòa nhập mới cho nạn nhân bị mua bán.

Triển khai, thực hiện quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng; nghiên cứu, thực hiện thí điểm quy trình chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên cấp về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và cung cấp kết nối dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán.

Củng cố, phát triển, cải thiện chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo đảm tính sẵn có, dễ tiếp cận. Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

Duy Tiến