Dù mạng xã hội phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, các phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại, nhưng cũng chưa thể thay thế được vai trò thông tin, tuyên truyền của hệ thống phát thanh, truyền thanh ở cơ sở. Xác định đây là một trong những phương tiện tuyên truyền chủ lực trong việc thông tin các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước đến với người dân nên nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau không ngừng đầu tư, phát triển hệ thống đài, trạm truyền thanh ở cơ sở. 

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Đen cho biết, thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động. Đến nay, 97/101 xã, phường, thị trấn có Đài truyền thanh đang hoạt động, chiếm 98% số xã phường thị trấn trong tỉnh. Trong đó, 37 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông (CNTT-VT), 60 đài truyền thanh không dây FM. Đối với các xã đang sử dụng Đài truyền thanh hữu tuyến, không dây FM sẽ tổ chức chuyển đổi, mỗi năm từ 15-25% sang ứng dụng CNTT-VT. 

Ông Đen nhấn mạnh, sẽ từng bước chuyển đổi hoạt động các Đài truyền thanh cấp huyện, xã theo hướng hiện đại hóa, với chức năng sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện.

Từng bước nâng cao hiệu quả hệ thống Đài truyền thanh cấp xã 

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo thông tin, tỉnh Cà Mau không ngừng đầu tư mua sắm, lắp đặt máy móc, thiết bị hiện đại cho hệ thống Đài truyền thanh cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh để phù hợp với sự phát triển của công nghệ, thực hiện tốt sứ mệnh truyền tải và nhu cầu được cung cấp, tiếp cận thông tin của người dân ở cơ sở.

ca mau 1.jpg
Hệ thống đài truyền thanh cấp xã đang dần được phủ sóng toàn tỉnh

Đơn cử, huyện Đầm Dơi hiện có 13/16 xã, thị trấn có Đài truyền thanh hoạt động thông suốt, đáp ứng tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền và nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân trên địa bàn. Cuối năm 2023, xã Tạ An Khương được Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ lắp đặt 1 đài truyền thanh và 9 cụm loa CNTT-VT. Chia sẻ về công nghệ mới, anh Huỳnh Hoàng Em, công chức văn hóa - xã hội của xã cho biết, Đài Truyền thanh ứng dụng CNTT-VT có ưu điểm là hệ thống thiết bị gọn nhẹ, vận hành đơn giản, lắp đặt sử dụng dễ dàng, thuận lợi cho công tác tiếp sóng. 

“Nhờ phần mềm chuyển đổi văn bản sang giọng nói tự động giúp chúng tôi không phải mất nhiều thời gian ngồi đọc, thu âm bản tin rồi xử lý tạp âm trước khi phát chương trình như trước. Hệ thống truyền thanh thông minh này nếu được nhân rộng và đưa vào sử dụng sẽ phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay và đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, anh Hoàng Em nói.

Được thụ hưởng những công nghệ hiện đại khi tiếp cận thông tin, bà Phạm Minh Huyền bày tỏ, ngày nào cũng đón để nghe thông tin trên Đài truyền thanh của xã như là 1 thói quen, thậm chí nhớ luôn thời gian phát sóng. Bà Huyền cho biết, qua đây, bà biết được nhiều thông tin rất bổ ích, nhất là tin tức thời sự, chính trị, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các thông báo, hướng dẫn, quy định của địa phương để người dân thực hiện...

Có thể thấy, hệ thống Đài truyền thanh cấp xã đã góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động thông tin cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; đáp ứng nhu cầu tiếp cận và giảm nghèo thông tin cho người dân ở cơ sở.

Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện về về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Đài truyền thanh cấp xã. Cụ thể, tỉnh phấn đấu trong năm 2024 có từ 20-25% số đài truyền thanh có dây, không dây FM được chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng CNTT-VT. Đến năm 2025, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có hệ thống truyền thanh hoạt động đến ấp, khóm, khu dân cư. Đồng thời, tỉnh phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ, thống nhất trong một hệ sinh thái thông tin đa ngành, đa lĩnh vực, tương tác và phản ánh nhanh nhạy trước những tác động của đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.