Ngày 17/11, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tình hình triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Theo báo cáo của NN&PTNT tỉnh Cà Mau, trong năm qua địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân tốt các nguồn vốn.
Đến nay toàn tỉnh đã có 63/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 76,8%; có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 4,8% và TP. Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”. Hiện, còn 3 xã có hồ sơ trình đề nghị thẩm định xét, công nhận năm 2024.
Về triển khai đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh hiện đã tuyên truyền vận động được 19 hợp tác xã và 5 tổ hợp tác đăng ký tham gia với diện tích 5.887 hecta.
Tham gia đề án còn có 8 doanh nghiệp đăng ký tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo và 13 doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ đầu vào.
Tỉnh Cà Mau đã phối với với các địa phương chọn các khu vực phù hợp theo các tiêu chí hướng dẫn để đăng ký tham gia đề án, tổng diện tích đăng ký tham gia là 23.304 hecta, trong đó lúa 2 vụ là 12.889 hecta và lúa tôm là 10.415 hecta.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị Sở NN&PTNT Cà Mau khẩn trương tìm địa điểm phù hợp để triển khai mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh từ 50 đến 100ha ngay trong vụ mùa năm nay để có đầy đủ các thông tin đánh giá về tính hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và bài học kinh nghiệm nhất là việc thực hiện giám sát, đánh giá chi trả tín chỉ cacbon khi nhân rộng ở quy mô lớn.
Song song đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Sở vận động, tạo điều kiện khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân tham gia đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cần tiếp tục triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Quan tâm phát triển sản phẩm OCOP chú ý những phẩm đạt 4, 5 sao; Mời gọi doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, liên kết tiêu thụ, phát triển sản xuất tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, diện tích giao trồng lúa hàng năm của tỉnh đạt khoảng 110.000ha với sản lượng đạt 500.000 tấn. Đây được xem là cây lương thực chủ lực có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, cơ cấu giống lúa cho vùng sản xuất chuyên 2 vụ lúa/năm trên địa bàn tỉnh gồm các giống chất lượng cao như OM18, OM5451, OM6162... chiếm tỷ lệ 60-65%; các giống lúa thơm đặc sản như ST24, ST25, RVT, Đài thơm 8... chiếm tỷ lệ 20-25%; các giống lúa chất lượng trung bình như OM576, OM2517... chiếm tỷ lệ 5-10%. Cơ cấu giống lúa ở vùng sản xuất lúa 1 vụ/năm (lúa tôm, lúa mùa) chủ yếu là các giống lúa mùa địa phương.
Theo UBND tỉnh, cây lúa Cà Mau phát triển theo hướng an toàn, hữu cơ, đạt chứng nhận. Toàn tỉnh có hơn 80% diện tích trồng lúa đã được người dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao. Từ đó đã hình thành được những vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn có năng suất, chất lượng cao và cơ cấu giống lúa của tỉnh chuyển dần sang nhóm giống lúa thơm, sản xuất hữu cơ phát triển.
Được biết, trong giai đoạn 2023-2030, tỉnh Cà Mau chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao, đảm bảo sử dụng 90% giống lúa cấp xác nhận.
Đình Sơn