Kết quả rà soát năm 2024 cho thấy hiện tỉnh Cà Mau còn 2.890 hộ nghèo (giảm 2.010 hộ) và 3.865 hộ cận nghèo (giảm 923 hộ) so với năm 2023. Với kết quả này, công tác giảm nghèo năm nay của tỉnh vượt mục tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm (giảm 1.225 hộ).

Trong năm 2024, nguồn vốn phân bổ để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh là hơn 94 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã triển khai hàng loạt dự án hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, giải quyết việc làm,… cho hộ nghèo, cận nghèo.

Mục tiêu của Cà Mau là giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.  

W-A8 TRAN THI AN X TIEN LUC L GIAG VV NQ11_9588.jpg
Mục tiêu của Cà Mau là giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Để giảm nghèo, các ngành, các địa phương tại Cà Mau có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt là thực hiện nhiều mô hình sinh kế phù hợp để phát triển kinh tế bền vững.

Đơn cử, thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) là nơi tập trung đông dân cư, đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo không có đất sản xuất và có nhu cầu lớn về nhà ở. Ðể người dân thoát nghèo bền vững, địa phương ưu tiên hỗ trợ về nhà ở, đồng thời thường xuyên mở các lớp dạy nghề, truyền nghề và hỗ trợ người dân vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình.

Năm nay, khóm Sa Phô của thị trấn có 3 hộ được hỗ trợ kinh phí xây nhà mới và tạo điều kiện vay vốn chính sách ưu đãi. Gia đình bà Nguyễn Thị Trinh, hộ nghèo ở khóm Sa Phô, là một trong số đó. Có căn nhà mới từ nguồn hỗ trợ địa phương, bà Trinh càng phấn khởi bởi được trao "chìa khoá" thoát nghèo bằng 40 triệu đồng vốn vay dùng để mua bán, kinh doanh. Bà hứa cố gắng buôn bán, phụ chồng, chăm lo các con được học hành đầy đủ, vươn lên thoát nghèo. 

Tại xã Lâm Hải, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xã hỗ trợ bà con phát triển kinh tế bằng nhiều mô hình, trong đó có nuôi chồn đang chứng tỏ hiệu quả cao. Gia đình bà Dương Thị Thiệt, ấp Trại Lưới B, vừa qua được hỗ trợ 12 con chồn giống. Sau hơn 2 tháng nuôi, đàn chồn phát triển khá tốt. Thấy hiệu quả, bà Thiệt dự định tiếp tục phát triển nghề nuôi chồn, phấn đấu thoát nghèo. Cùng với bà Thiệt, xã có thêm 16 hộ dân được hỗ trợ giống với số tiền khoảng 28 triệu đồng.

Thông tin từ Phòng LĐ-TB-XH huyện Năm Căn, nhờ các cách tiếp cận đúng và trúng, đến nay công tác giảm nghèo của huyện đã đạt theo kế hoạch đề ra từ đầu năm. Trước đó, huyện phấn đấu đến cuối năm hộ nghèo giảm còn 1,04%, hộ cận nghèo giảm còn 2,02%. 

Trong khi đó, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước xác định phần lớn hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương đều không có tư liệu sản xuất, già yếu, việc làm bấp bênh, trình độ dân trí thấp nên rất khó phát triển các mô hình kinh tế. Xã tiến hành họp, lựa chọn các trường hợp có khả năng thoát nghèo để tập trung hỗ trợ để giảm nghèo đa chiều theo phương châm: thiếu hụt tiêu chí nào, có giải pháp giúp đỡ tiêu chí đó.

Khảo sát thực tế cho thấy các hộ hầu hết thiếu hụt tiêu chí về nhà ở và việc làm, Ðảng uỷ xã phân công các tổ chức đoàn thể nhận đỡ đầu; chính quyền, các ban ngành vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ về nhà ở, giới thiệu tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo. 9 tháng đầu năm, xã vận động hơn 420 triệu đồng để hoàn thành 8 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Năm 2024, các hộ tham gia Dự án 2 Ða dạng hoá sinh kế thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững từ cuối năm ngoái bước đầu đã có thành quả. 2 mô hình chăn nuôi (nuôi lợn và nuôi gà thương phẩm) được lựa chọn. Ðến nay, các hộ nuôi đã xuất chuồng, thu nhập tương đối khá và đang tái đàn để phục vụ thị trường Tết.

Theo quy định, khi kết thúc và mô hình có hiệu quả, Nhà nước sẽ thu hồi 20% vốn, hiện tại xã đã thu hồi được 40 triệu đồng nộp về để xoay vòng. Nhờ thực hiện hiệu quả nhiều biện pháp, số hộ nghèo trên địa bàn xã 9 tháng đầu năm đã giảm 11 hộ, cận nghèo giảm 1 hộ.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, việc triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã tạo bước tiến rõ rệt về sự tiến bộ và công bằng xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe, ổn định mọi mặt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khó khăn.

Đánh giá cho thấy, khi triển khai các chính sách, một bộ phận hộ nghèo, cận nghèo đã được cải thiện về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các nguồn lực để phát triển, tạo nhiều việc làm và tăng thêm thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng như nhà ở, giáo dục, nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sạch, bảo hiểm y tế, việc làm,…

Chương trình đã giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên, vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như việc nhận thức, hiểu rõ về trách nhiệm của bản thân để chủ động tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng.