Xây dựng Chính quyền điện tử (CQÐT) hướng đến Chính quyền số (CQS) là mục tiêu quan trọng mà tỉnh Cà Mau nỗ lực hướng tới, nhằm tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính (CCHC), góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện mục tiêu này, tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, phát triển nền tảng số, dữ liệu số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, nhằm đổi mới hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.

Phát triển hạ tầng số, nền tảng số

Hiện Cà Mau đang vận hành song song 2 trung tâm dữ liệu (1 trung tâm dữ liệu chính và 1 trung tâm dữ liệu phòng), đáp ứng cơ bản về lưu trữ các hệ thống thông tin, dữ liệu dùng chung theo mô hình điện toán đám mây, với năng lực lưu trữ 135 TB; thiết bị bảo mật đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống được đánh giá phù hợp yêu cầu, đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời hơn 250 ngàn lượt tấn công.

Ðiểm nhấn là tỉnh vừa ra mắt và vận hành Trung tâm Giám sát, Ðiều hành thông minh (IOC). Ðây là khởi đầu cho quá trình xây dựng phát triển đô thị thông minh, xây dựng CQS của tỉnh. Trung tâm IOC đã cài đặt, kết nối gồm 13 lĩnh vực quản lý, với 39 loại dữ liệu và 262 trường thông tin, phục vụ đắc lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội. Các tính năng, dịch vụ của IOC cũng sẽ giúp tăng tính tương tác giữa người dân với chính quyền, góp phần cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.

100% cơ quan, đơn vị Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có hệ thống mạng LAN kết nối Internet tốc độ cao và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. (Trong ảnh: Bộ phận Một cửa xã Khánh An, huyện U Minh).100% cơ quan, đơn vị Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có hệ thống mạng LAN kết nối Internet tốc độ cao và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. (Trong ảnh: Bộ phận Một cửa xã Khánh An, huyện U Minh).

Một trong những giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đó là xây dựng và phát triển nền tảng số, dữ liệu số. Cà Mau đã kết nối, chia sẻ 22/24 dịch vụ dữ liệu của tỉnh trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ khai thác, sử dụng của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn. Ðồng thời, tỉnh đã triển khai được 10 ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh.

Song song đó, Cà Mau đã hoàn thành việc triển khai 16 cơ sở dữ liệu dùng chung, gồm quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tài liệu lưu trữ lịch sử; nông nghiệp; hợp đồng đã được công chứng; sản phẩm OCOP; hồ sơ sức khoẻ điện tử; quản lý y tế cơ sở; tên đường và công trình công cộng; hệ thống thông tin báo cáo tỉnh; tiếp nhận, xử lý phản ánh hiện trường; ngành công thương; ngành giao thông; văn bản đến, đi; số hoá thủ tục hành chính; quản lý ngân sách... Ðồng thời, công bố 86 dữ liệu mở của các ngành, lĩnh vực.

Tạo đột phá trong CCHC

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice) tiếp tục được phát triển hoàn thiện và triển khai mở rộng đến nhiều đơn vị sử dụng, đáp ứng đầy đủ tính năng gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước và liên thông được 4 cấp chính quyền (từ Trung ương đến cấp xã). Trong năm 2024, tỉnh đã gửi hơn 14 ngàn văn bản và nhận trên 596 ngàn văn bản qua Trục liên thông văn bản Quốc gia; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số giữa các cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đạt 98,37%.

T5 1. Ca Mau....jpg
100% cơ quan, đơn vị Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có hệ thống mạng LAN kết nối Internet tốc độ cao và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. (Trong ảnh: Bộ phận Một cửa xã Khánh An, huyện U Minh).

Việc xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ứng dụng chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G) đã tích hợp 50 ứng dụng, tiện ích hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dễ dàng tương tác, sử dụng dịch vụ số của chính quyền cung cấp; đã có trên 31 lượt người cài đặt ứng dụng này. Ứng dụng phản ánh hiện trường được tích hợp lên ứng dụng CaMau-G, tỉnh đã tiếp nhận 400 phản ánh các lĩnh vực và đều được xử lý theo quy định.

Tỉnh đã thực hiện cung cấp dịch vụ công toàn trình đối với 552/552 thủ tục, được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh đạt trên 92%. Bên cạnh đó, tỉnh cung cấp 945/945 thủ tục có yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính, được tích hợp thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tỷ lệ thanh toán trực tuyến của tỉnh đạt 77,62%.

Yêu cầu nhiệm vụ thôi thúc CQÐT phải hoàn thiện hơn, bước nhanh hơn lên CQS để tạo đột phá trong CCHC. Tỉnh Cà Mau thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự thực hiện dịch vụ công trực tuyến không cần phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ của công chức tại bộ phận một cửa. Ðồng thời, nâng cao chất lượng của tổ công nghệ số cộng đồng, tổ công tác triển khai Ðề án 06, tổ hướng dẫn và hỗ trợ dịch vụ hành chính công, nhằm từng bước hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng tự thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân.

Những kết quả quan trọng đạt được trong ứng dụng CNTT, xây dựng và phát triển CQÐT trên địa bàn tỉnh đã tạo nên sự công khai, minh bạch trong công tác chỉ đạo, điều hành và trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước. Bằng các kế hoạch, chương trình và hành động cụ thể, Cà Mau quyết tâm chinh phục các mục tiêu mới, nhằm tiếp tục tạo bước đột phá ấn tượng về CCHC, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Theo Mộng Thường (Báo Cà Mau)