Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến xóa đói giảm nghèo.

Lá lành đùm lá rách

Nhìn lại hành trình từ năm 1992 đến nay, ngân sách nhà nước dù khó khăn vẫn đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư cho công tác này, thông qua hỗ trực tiếp cũng như lồng nghép triển khai các chương trình dự án giảm nghèo. Bên cạnh nguồn lực nhà nước, rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia đã dành sự ủng hộ to lớn đối với công tác giảm nghèo.

Cùng với sự phát triển của đất nước và nhờ sự chung tay của cộng đồng, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8% năm 2016 và trong 2 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn khoảng 7% năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Việt Nam cũng đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ được nhân dân đánh giá cao, được cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo.

Theo tổng kết của Ban tổ chức, chương trình “Chung tay vì người nghèo” thời gian qua đã nhận được cam kết số tiên hơn 264 tỷ đồng dành cho người nghèo, kể cả các nguồn hỗ trợ đầu tư các dự án vì người nghèo. Trong đó số tiền ủng hộ qua Quỹ vì người nghèo Trung ương là 47,5 tỷ đồng. Đây chỉ là con số bước đầu trong tháng cao điểm Vì người nghèo và chắc chắn sẽ còn nhiều tấm lòng hảo tâm đóng góp cho công tác xóa đói giảm nghèo.

Sau 17 năm tổ chức, chương trình “Chung tay vì người nghèo” đã hỗ trợ xây dựng gần 1,5 triệu căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về tư liệu sản xuất, đồng thời giúp người nghèo tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thông tin xã hội để họ biết cách thức làm ăn, có nghị lực vươn lên giảm nghèo bền vững.

Thông qua Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp, sau 17 năm đã vận động đóng góp hơn 13.400 tỷ đồng và ủng hộ trực tiếp thông qua chương trình an sinh xã hội ở địa phương được hơn 36.200 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016-2020 mỗi năm giảm 1% đến 1,5% hộ nghèo

Tuy nhiên, từ thực tế cả nước vẫn còn tới 41 huyện có tỉ lệ hộ nghèo trên 50%. Thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước ,Thủ tướng nhận xét, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỉ lệ tái nghèo còn cao.  Nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo ở một số nơi chưa được triển khai tốt, chưa sáng tạo, chưa vận dụng một cách phù hợp. Chính sách về giảm nghèo còn chồng chéo. Còn có tình trạng thu quá mức đối với người nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Chỉ đạo phương hướng thời gian tới, ông yêu cầu tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, trong đó đã nêu rõ mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 mỗi năm giảm 1% đến 1,5% hộ nghèo, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn, có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng các giải pháp tạo điều kiện, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đây là việc làm rất khó khăn nhưng giàu tính nhân văn, vừa là yêu cầu vừa là mục tiêu của phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện hiêu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, và các mục tiêu phát triển bền vững về giảm nghèo theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi chúng ta phải đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất trên tinh thần: 'Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau'.

Minh Vy - Diệu Thúy