20h ngày 1/4 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam tổ chức đêm nhạc Như cánh vạc bay để tưởng nhớ 23 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Cứ vào dịp 1/4 hàng năm, khán giả vẫn tìm đến các đêm nhạc Trịnh Công Sơn như một cuộc hành hương về với “cõi Trịnh” thông qua những bản nhạc về tình yêu, quê hương và thân phận con người. Tại Việt Nam, hiếm có nhạc sĩ nào sáng tác nhiều như Trịnh Công Sơn, với 600 ca khúc. Trong đó, có tới 236 ca khúc được phổ biến rộng rãi.

Nhạc Trịnh Công Sơn vừa thấm đẫm chất triết lý, nhân văn, vừa hồn hậu, nồng nàn, là tình yêu lớn dành cho con người, quê hương và ca ngợi hòa bình. Ngoài giai điệu đẹp, ca từ trong nhạc của Trịnh Công Sơn rất đậm chất thơ, đa dạng về từ vựng, độc đáo về ngữ pháp, phong phú về thanh điệu.

z5245038832873 1958a261084b388219c91b04635ab99c.jpg
Ca sĩ Ngọc Ánh.

Đêm nhạc Trịnh Như cánh vạc bay do NSND Trần Bình làm tổng đạo diễn, có sự tham gia của ca sĩ Mỹ Linh, Nguyên Hà, Lưu Hương Giang, Hồ Trung Dũng, Hà Lê… và ngôi cao ca nhạc thập niên 90 - ca sĩ Ngọc Ánh.

“Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam hiếm hoi có sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng vươn tầm thế giới. Nhạc Trịnh đã len lỏi vào từng ngõ ngách, tầng lớp dân chúng Việt Nam và hầu hết các ca sĩ Việt đều đã từng hát nhạc Trịnh. Đây là loại nhạc duy nhất dung hòa được từ bác học tới bình dân, khiến ca sĩ mọi thế hệ, dòng nhạc đều hát được.

Chương trình lựa chọn Nhà hát Lớn Hà Nội là không gian tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với sự sang trọng vốn có, đây sẽ là nơi cộng hưởng để âm nhạc Trịnh bay bổng, thanh tao như cách nhạc sĩ đã từng sống, từng viết nhạc, từng hát”, NSND Trần Bình cho biết.

hale1234.jpeg
Ca sĩ Hà Lê.

Ca sĩ Hà Lê - chàng rapper khoác “áo mới” cho nhạc Trịnh - chia sẻ, anh đến với nhạc Trịnh như số mệnh, đúng hơn từ một tiếng gọi. Bởi khi anh đang cố gắng tìm kiếm cho mình những ca khúc phù hợp với độ tuổi, trải nghiệm và sự thấu hiểu cuộc sống để có thể biểu diễn, nhạc Trịnh đến với anh như một cơ duyên đẹp.

“Tôi đã thử nghiệm làm mới nhạc của nhiều nhạc sĩ, nhưng chỉ khi đến với nhạc Trịnh, tôi mới tìm được sự đồng cảm sâu sắc. Càng nghe, càng thử nghiệm nhiều, tôi càng nhận ra sự đồng điệu trong tâm hồn mình với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi dần ngộ ra nhạc Trịnh đã thay đổi con người tôi rất nhiều. Tôi biết ơn nhạc Trịnh vì đã khai mở cho tôi một con đường nghệ thuật. Tôi sẽ luôn lấy đó làm kim chỉ nam trên con đường phát triển của bản thân”, Hà Lê chia sẻ.

Ca sĩ Ngọc Ánh cho biết, từ thuở nhỏ đã rất mê hát và thích hát nhạc của Trịnh Công Sơn.

“Năm 8 tuổi tôi đã rất thích những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cứ líu lo hát. Lúc đó, tôi chưa hiểu hết nội dung bài hát mà người nghệ sĩ tài hoa muốn gửi gắm. Bởi, nói như nhạc sĩ Phạm Duy, toàn bộ âm nhạc của Trịnh Công Sơn đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác lẫn hồn thơ, nghe lãng đãng, mơ hồ, khó phân định cho đúng nghĩa”, ca sĩ Ngọc Ánh chia sẻ.

Ca sĩ Ngọc Ánh nhớ lại ngày xưa, khi đi hát tại các phòng trà, chị thường hát nhiều bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khi đó đã không ít lần chính người nhạc sĩ này đã ngồi nghe chị hát.

“Tôi nhớ như in những lần ngồi nghe tôi hát, anh Sơn thích nhất hát bài Dấu chân địa đàng. Bài hát này ban đầu lấy tên là Tiếng hát Dạ Lan. Anh Sơn thường gọi tôi một cách thân mật: “Ngọc Ánh ơi! Hát cho anh nghe bài Tiếng hát Dạ Lan đi. Khi đó tôi vui và hạnh phúc lắm”, ca sĩ Ngọc Ánh nhớ lại.

Lần này, hát trong đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn, Ngọc Ánh khẳng định sẽ hát bằng tất cả sự đam mê, trái tim và cảm xúc chân thành nhất.

Ca sĩ Ngọc Ánh thể hiện 'Dấu chân địa đàng':

Ảnh: BTC