Các quan chức cấp cao từ EU, Nga, Mỹ và Ukraina sẽ gặp nhau vào tuần tới để
thảo luận tình hình đang ngày càng xấu đi rõ rệt ở Ukraina.
TIN BÀI KHÁC:
Đây sẽ là một cuộc gặp 4 bên đầu tiên kể từ khi khủng hoảng ở Ukraina nổ ra. Tại đó, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại châu Âu, Catherine Ashton, sẽ ngồi lại cùng với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraina Andriy Deshchytsia.
Nga đã sáp nhập bán đảo Crưm hồi tháng 2 và triển khai nhiều quân dọc biên
giới với Ukraina. Kiev và Washington cáo buộc Moscow kích động bất ổn ở vùng
miền đông nói tiếng Nga của Ukraina như một cái cớ có thể để sáp nhập thêm các
vùng của Ukraina. Phía Nga mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này.
Biểu tình thân Nga ở Donetsk.
Moscow đến giờ vẫn chưa công nhận các nhà chức trách mới ở Kiev sau khi Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị người biểu tình hạ bệ hồi tháng 2.
Thời gian và địa điểm chính xác của các cuộc họp bốn bên tuần tới vẫn chưa được đưa ra mặc dù một quan chức EU xác nhận chúng sẽ diễn ra ở châu Âu.
Một phát ngôn viên của bà Ashton cho biết nữ quan chức này "đang tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm xuống thang tình hình ở Ukraina. Trong bối cảnh này, bà sẽ gặp gỡ các ngoại trưởng của Mỹ, Nga và Ukraina vào tuần tới".
Hôm 8/4, NATO cảnh báo Nga rằng một sự can thiệp sâu hơn của nước này vào Ukraina sẽ là một "sai lầm lịch sử" với những hậu quả rất xấu. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng yêu cầu Nga lui quân mà nước này triển khai ở biên giới giáp miền đông Ukraina.
"Tôi kêu gọi Nga lùi bước và không leo thang tình hình ở đông Ukraina", ông nói thêm.
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định phía Nga không có ý định xâm lược Ukraina nhưng ông có quyền bảo vệ các lợi ích Nga ở đó.
Trụ sở cơ quan an ninh ở Luhansk vẫn bị người biểu tình chiếm giữ.
Căng thẳng ở miền đông Ukraina tăng cao nhanh chóng cuối tuần trước khi các
nhà hoạt động thân Nga chiếm giữ các tòa nhà chính phủ ở Donetsk, Luhansk và
Kharkiv. Họ tự dựng chướng ngại vật xung quanh và kéo quốc kỳ Nga lên.
Cùng ngày 8/4, các nhà chức trách Ukraina cho biết họ đã giành lại quyền kiểm soát tòa nhà chính quyền ở Kharkiv, bắt giữ khoảng 70 người trong một chiến dịch không có máu đổ. Tuy nhiên ở Luhansk, giới chức cáo buộc "những kẻ cực đoan" chiếm giữ tòa nhà an ninh nhà nước và cưỡng giữ 60 người. Còn ở Donetsk, người biểu tình vẫn ở lại bên trong tòa nhà chính quyền, đòi tổ chức trưng cầu dân ý li khai khỏi Ukraina.
Moscow cảnh báo Ukraina rằng dùng vũ lực để dập tắt biểu tình sẽ dẫn đến nội chiến.
Theo tin từ BBC, một nguồn tin ngoại giao EU nói rằng Ủy ban châu Âu sẽ thành lập một Nhóm Hỗ trợ đặc biệt cho Ukraina để phối hợp sự trợ giúp. Nhóm này sẽ gồm vài chục người và công việc của họ sẽ mở rộng để theo dõi cả Grudia và Moldova.
Tổng thống Ukraina bị lật đổ Yanukovych đã chạy tới Nga sau nhiều tháng chịu
sức ép từ làn sóng biểu tình phản đối rầm rộ trên đường phố, xuất phát từ việc
ông từ chối ký một hiệp ước liên kết với EU để đổi lấy các mối quan hệ thân
thiết hơn với Nga. Hơn 100 người đã tử vong trong thời gian xảy ra biểu tình.
Thanh Hảo