Lực lượng an ninh thắt chặt tại trụ sở TAND tỉnh Thái Bình để kiểm tra những người vào tham dự phiên tòa xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cùng đồng phạm về tội Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
7h20 sáng, lực lượng chức năng đưa bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cùng đồng phạm đến tòa án.
Trước đó, VKSND tỉnh Thái Bình truy tố ông Lưu Bình Nhưỡng về tội Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Liên quan đến vụ án, VKS còn truy tố các bị can Phạm Minh Cường (lao động tự do), Vũ Đăng Phương (lao động tự do) về tội Cưỡng đoạt tài sản; Nguyễn Văn Vương (từng là chuyên viên vụ Pháp luật- Văn phòng Chủ tịch nước, đã bị buộc thôi việc), Lê Thanh Vân (trước khi bị bắt là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa 15 - đã bị bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Theo cáo buộc, từ tháng 5/2016- 2021, ông Lưu Bình Nhưỡng là Đại biểu Quốc hội khóa 14, nhiệm kỳ 2016- 2021, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre. Từ tháng 7/2018- 11/2023, ông Nhưỡng giữ chức vụ Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thời điểm tháng 5,6/2021, bị can Phạm Minh Cường đến nói cho ông Lưu Bình Nhưỡng biết việc Cường dùng thủ đoạn để lấy tiền của chi nhánh Công ty Sao đỏ, và nhờ ông Nhưỡng can thiệp để tạo điều kiện cho Cường làm ăn thuận lợi.
Ông Nhưỡng được Cường bán cho 30ha bãi triều với giá khoảng 1,2 tỷ đồng (chỉ lấy 900 triệu đồng). Sau đó ông Nhưỡng giao diện tích này cho Cường quản lý, khai thác.
Để tạo điều kiện cho Cường, ông Nhưỡng đã điện thoại cho lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình can thiệp.
Đồng thời, ông Nhưỡng cũng đến một số cơ quan chức năng khác ở địa phương để gây thanh thế, tạo điều kiện cho Cường tiếp tục cưỡng đoạt tài sản.
Tháng 12/2020 và tháng 5/2021, ông Nhưỡng lấy tư cách đại biểu Quốc hội ký văn bản gửi lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, Chánh án, Viện trưởng VKS và giám đốc Công an TP Hải Phòng can thiệp để giải quyết theo hướng có lợi cho một người tên Thao, hưởng lợi bộ cánh cổng gỗ trị giá 75 triệu đồng và nhằm hưởng lợi 1 lô đất trị giá 160 triệu đồng.
Ngày 15/3/2021, ông Nhưỡng lấy tư cách Đại biểu Quốc hội can thiệp đến Chính phủ để Công ty Mạnh Đức được phê duyệt thực hiện dự án Quế Võ III của tỉnh Bắc Ninh và đã được hưởng lợi 300.000 USD.
Ngày 18/7/2019 và 1/10/2019, ông Nhưỡng lấy tư cách là Đại biểu Quốc hội ký 2 văn bản can thiệp, yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh cho công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha, hưởng lợi 1 lô đất ở Đông Anh trị giá hơn 1,8 tỷ đồng và nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất tại dự án này (có trị giá hơn 1,9 tỷ đồng).
Từ tháng 7-10/2023, bị can Lưu Bình Nhưỡng (thời điểm này là Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội) đã gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để Công ty CP Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 210 triệu đồng.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Vân bị cáo buộc đã ký 4 văn bản can thiệp gửi đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ để đồng ý cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha, hưởng lợi 1 lô đất ở Đông Anh, Hà Nội, trị giá hơn 1,8 tỷ đồng và hưởng lợi 1.000m2 đất trị giá hơn 1,9 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Văn Vương bị cáo buộc đã đến gặp ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân để nhờ can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ để Công ty Hạ Long được tiếp tục triển khai dự án 36ha.
Sau khi nhận 3,3 tỷ đồng từ Công ty Hạ Long và được hứa sẽ hưởng 10% diện tích đất của dự án (khoảng 15.000 m2), Vương đã hướng dẫn Công ty Hạ Long soạn thảo đơn kiến nghị và kêu cứu khẩn cấp, gửi đến Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh và ông Lưu Bình Nhưỡng.
Vương sau đó trực tiếp gặp ông Lưu Bình Nhưỡng để đề nghị hỗ trợ can thiệp và đã tặng ông Nhưỡng một lô đất rộng 491m2 tại huyện Đông Anh, Hà Nội, trị giá 1,8 tỷ đồng. Đồng thời, Vương hứa sẽ tặng thêm 1.000m2 đất tại dự án 36ha sau khi công việc được giải quyết ổn thỏa.
Sau hai lần can thiệp nhưng không đạt kết quả, ông Nhưỡng đã giới thiệu Vương gặp ông Lê Thanh Vân, khi đó là đại biểu Quốc hội khóa XIV, để nhờ giúp đỡ. Ông Vân đồng ý hỗ trợ.