Cương lĩnh của Đảng năm 1991 đã xác định rõ đường lối phát triển công nghiệp sau 5 năm thực hiện công cuộc đổi mới là “Đẩy mạnh công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, mở rộng kinh tế đối ngoại, phát triển kinh tế dịch vụ, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Xây dựng nền công nghiệp nặng với bước đi thích hợp, trước hết là các ngành trực tiếp phục vụ nông nghiệp”.

Đến Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, đường lối phát triển công nghiệp đã được hoàn thiện và làm rõ hơn: “Coi trọng phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo có tính nền tảng và các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng đạt trình độ công nghệ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới” .

Đại hội lần thứ VIII (1996) của Đảng đã xác định mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là: “Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”. Qua các kỳ Đại hội IX, X, XI, mục tiêu xuyên suốt được xác định là: “tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đến Đại hội XII đã nhận định: “nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được” và “việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đề ra”.

Do vậy, Đại hội XII xác định mục tiêu tổng quát là “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

{keywords}
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (ảnh: Khánh Vy)

Về phương hướng phát triển công nghiệp, Đại hội X chủ trương “khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tác, công nghiệp phần mềm và công nghiệp bổ trợ có lợi thế cạnh tranh, tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu và thu hút nhiều lao động; phát triển một số khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế, nâng cao hiệu quả của các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Đại hội XI xác định: “Ưu tiên phát triển và hoàn thành những công trình then chốt về cơ khí chế tạo, sản xuất máy móc, thiết bị thay thế nhập khẩu cho công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng; công nghiệp công nghệ cao sản xuất linh kiện điện tử, máy tính, công nghiệp dầu khí, điện, than, khai khoáng, hoá chất, luyện thép, xi măng, phân đạm..., công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp quốc phòng, an ninh với trình độ công nghệ ngày càng cao, sạch, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng. Ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn”. Đến Đại hội XII, Đảng ta đề ra chủ trương “Cơ cấu lại, xây dựng nền công nghiệp theo hướng phát triển mạnh những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, từng bước có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu”.

Để triển khai các Nghị quyết Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề, kết luận đối với một số lĩnh vực công nghiệp quan trọng, đặc thù, như về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai khoáng và các ngành công nghiệp có hiệu ứng lan tỏa như cơ khí, công nghệ thông tin .

{keywords}
Công nghiệp chế tạo đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp (ảnh: Khánh Vy)

Bên cạnh đó, để lãnh đạo quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành công nghiệp nói riêng, Đảng đã ban hành một số nghị quyết có tác động gián tiếp đến phát triển công nghiệp như các nghị quyết về hội nhập quốc tế, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đất đai, xây dựng đội ngũ doanh nhân, cải cách thủ tục hành chính . Riêng về các tập đoàn kinh tế, Bộ Chính trị có Kết luận số 45-KL/TW ngày 10-4-2009 về thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế và cơ chế, chính sách ngăn ngừa thất thoát tài sản nhà nước, cơ chế chính sách bán cổ phần cho người lao động.

Ngày 22 tháng 3 năm 2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là văn bản thể hiện chủ trương, đường lối nhất quán và đầy đủ đầu tiên của Đảng để đưa ra những định hướng, mục tiêu cụ thể nhằm phát triển công nghiệp cho đất nước.

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ về đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, cụ thể:

* Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa:

- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 Khánh Vy