- Tổng lỗ luỹ kế của các công ty nông, lâm nghiệp lên tới 1.071 tỉ đồng, trong đó có công ty lỗ tới hơn 330 tỉ đồng.

Con số giật mình trên được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn công bố tại hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015-2016 sáng nay.

Ông Tuấn cho biết, hiện cả nước có 254 công ty nông, lâm nghiệp với gần 150.000 lao động thuộc đối tượng phải sắp xếp, đổi mới, trong đó có 120 công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 134 công ty lâm nghiệp.

Tính tới cuối tháng 12/2015, tổng giá trị tài sản trên sổ sách của 254 công ty này là trên 40.500 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong 3 năm từ 2012 - 2014 đạt gần 2.800 tỉ đồng, trong đó khối công ty lâm nghiệp lãi chưa đến 140 triệu đồng.

{keywords}
Vườn cao su của công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa là một trong số ít đơn vị được cổ phần hóa sau gần 2 năm từ khi nghị định 118 có hiệu lực. Ảnh: TCCS

"Lãi ít, song tổng lỗ lũy kế hiện tại của các công ty nông, lâm nghiệp đã lên tới gần 1.100 tỉ đồng. Đến nay đã có 8 công ty nông nghiệp và 2 công ty lâm nghiệp phải giải thể do lỗ lũy kế vượt quá 3/4 vốn chủ sở hữu", ông Tuấn thông tin.

Trong đó lỗ lũy kế lớn nhất là Tổng công ty 15 (Bộ Quốc phòng) với 334 tỉ đồng, kế đó là công ty TNHH MTV cà phê Ia Châm lỗ 52 tỉ, công ty TNHH MTV cà phê Ea Tul 40 tỉ, công ty THNN MTV cao su Mang Yang 39 tỉ, công ty TNHH MTV cà phê Chư Quynh 33 tỉ...

Ngoài ra, tình hình công nợ của 96/254 công ty nói trên cũng đáng báo động khi vay các tổ chức tín dụng tới gần 6.500 tỉ đồng (tính đến tháng 3/2016), trong đó nợ xấu gần 39 tỉ đồng (các công ty nông nghiệp chiếm 38,2 tỉ).

Để nâng cao hiệu quả của các công ty nói trên, Chính phủ yêu cầu phải đổi mới, tiến hành cổ phần hóa, tuy nhiên sau gần 2 năm kể từ khi Nghị định 118, mọi thứ dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Duy có một số ít đơn vị cải tổ được 2-8 đơn vị thành viên còn lại việc cải tổ chủ yếu vẫn nằm trên giấy.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng triển khai như vậy là quá chậm, chưa đạt yêu cầu.

Phía Tập đoàn Cao su Việt Nam than, vướng mắc lớn nhất hiện nay là những tồn tại liên quan đến đất đai như việc giao khoán, lấn chiếm, đo đạc... Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho biết, khi có chủ trương cổ phần hóa, có đến hơn 80 đơn thư gửi đến đòi lại đất.

Ngoài ra còn vướng mắc trong vấn đề về định giá tài sản trên đất, lựa chọn mô hình, thu hút các nhà đầu tư...

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng chỉ đạo, khi ngân sách Trung ương chưa bố trí được kinh phí cho việc đo vẽ, cấp giấy chứng nhận thì địa phương nên chủ động bố trí ngân sách để ứng trước, tránh chậm trễ.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT xem lại việc quy hoạch quỹ đất cho nông, lâm nghiệp: "Quy hoạch không ổn định, cứ thay đổi xoành xoạch, nay lấy đất làm dự án, mai làm du lịch, nhiều công ty lâm nghiệp đã phàn nàn chuyện này. Phát triển du lịch, dự án là cần thiết nhưng phải có kế hoạch, phải công khai, minh bạch".

Phần diện tích lấn chiếm, Phó Thủ tướng cho rằng nếu người dân đang sản xuất ổn định thì nên giao đất, còn diện tích mới lấn, kiên quyết thu hồi.

Phó Thủ tướng khẳng định, thời gian tới Chính phủ sẽ quyết liệt “ốp” các công ty nông, lâm nghiệp nhanh chóng tiến hành sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa.

Thúy Hạnh