Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ năm 2000 đến nay, 28 tỉnh, thành phố có địa lý giáp biển đã đóng góp hơn 70% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước. Một kết quả quan trọng khác mà du lịch biển đã mang lại là tạo sinh kế bền vững cho nhân dân vùng ven biển và lao động trên biển. Không chỉ nâng cao đời sống, ngành du lịch biển đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân ven biển, bám biển, bám làng để bảo vệ môi trường. Việc khai thác và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên du lịch biển góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư ven biển.

Thời gian qua, hoạt động du lịch gắn với biển, đảo đã góp phần tích cực để du lịch miền Trung khởi sắc, tạo sức hấp dẫn đối với du khách du lịch. 

anh thayss.jpg
Thế mạnh nổi bật của các tỉnh miền Trung là bờ biển dài với nhiều bãi biển trong xanh.

Thế mạnh nổi bật của các tỉnh miền Trung là bờ biển dài với nhiều bãi biển trong xanh, ngoài khơi có các đảo còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ với hệ sinh thái biển đa dạng. Du lịch biển ở miền Trung hiện đang có nhiều thế mạnh để tăng tốc phát triển, từng bước xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện.

Du lịch cũng tạo điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng tại các địa phương ven biển. Nhờ được đầu tư và xây dựng mạnh mẽ, đặc biệt là ở những địa phương chưa phát triển, đã góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho người dân sinh sống trong khu vực.

Tuy nhiên, việc khai thác du lịch biển, đảo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, các hoạt động du lịch biển, đảo vẫn còn tồn tại những hạn chế.

Mới đây, tại hội thảo “Phát triển bền vững du lịch miền Trung trong bối cảnh mới”, nhiều chuyên gia đánh giá các hoạt động hợp tác, liên kết du lịch trong khu vực này mới chỉ dừng lại ở việc tăng cường trao đổi, thảo luận chính sách, đưa ra các định hướng, giải pháp chung về phát triển du lịch vùng. 

Du lịch chủ yếu phát triển theo chiều rộng dựa vào khai thác thô các tài nguyên du lịch và tập trung thu hút vốn đầu tư vào phát triển hệ thống cơ sở lưu trú. Các sản phẩm du lịch vùng còn khá đơn điệu và có sự trùng lặp ở nhiều địa phương nội vùng; hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương còn hạn chế, mang tính tự phát và chủ yếu dùng lại ở mức độ cam kết thỏa thuận giữa lãnh đạo các địa phương.

Công tác bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch vùng ven biển chưa được thực hiện một cách đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh tác động trực tiếp đến du lịch biển, hệ thống di sản và tài nguyên ven biển phục vụ du lịch trở thành đối tượng bị ảnh hưởng và xuống cấp, đặt ra thách thức khôi phục và bảo tồn đối với các tài nguyên du lịch. 

Bên cạnh đó, việc phối hợp liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ từ việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, đến hướng dẫn thực hiện pháp luật về du lịch; hoạt động phát triển du lịch biển của cộng đồng còn mang tính tự phát; nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao còn hạn chế về số lượng, chất lượng. 

Các chuyên gia cho rằng, nhiều tỉnh miền Trung xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong bối cảnh mới có nhiều biến động, liên kết trở thành quy luật tất yếu của nhu cầu phát triển, quảng bá du lịch.

Vì vậy theo các chuyên gia, để phát triển du lịch theo hướng bền vững, các địa phương cần nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và đưa ra các chính sách kịp thời, phù hợp để phát triển các sản phẩm mới; hợp tác liên kết phát triển giữa các vùng; quan tâm đến xúc tiến, quảng bá du lịch tập trung và hiệu quả công tác này. 

Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh hệ thống sản phẩm du lịch biển, xây dựng các khu du lịch biển có tầm cỡ khu vực và quốc tế, chất lượng cao, bổ sung các sản phẩm du lịch thể thao biển và sinh thái biển. Cần gắn phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa với di sản, lễ hội, tham quan; phát triển du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng; kết nối các tour, tuyến, điểm, khu du lịch nhằm phát triển đa dạng các loại hình du lịch, tạo lập chuỗi các thương hiệu du lịch trong vùng...

Anh Duy và nhóm PV, BTV