Tỉnh Bến Tre hướng tới mục tiêu trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu nằm trong nhóm khá các tỉnh ven biển của Việt Nam. Tỉnh đã đưa ra các mục tiêu phát triển kinh tế gắn với sinh thái biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đảm bảo môi trường biển, bảo tồn và phát huy hệ sinh thái biển hiện có.

Bến Tre đã triển khai các dự án như Phân vùng chức năng đới bờ, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.  Từ đó, phân vùng chức năng quy hoạch biển gắn với bảo vệ hệ sinh thái cảnh quan thiên nhiên vùng bờ, giảm thiểu xói mòn.

Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh đã từng bước ưu tiên các ngành như năng lượng tái tạo, du lịch, khai tác và nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển các khu công nghiệp ven biển, dịch vụ thương mại biển. 

UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và môi trường cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tập trung công tác bảo vệ môi trường biển, bảo tồn hệ sinh thái biển, đặc biệt là rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển.

du7 lich ben tre.png
Bến Tre xây dựng các sản phẩm du lịch biển theo phong cách riêng của tỉnh. 

Bến Tre cũng đầu tư nâng cao năng lực dự báo cảnh báo và giám sát biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế khác, tạo nên mạng mạng lưới liên kết các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học biển.

Năm 2023, thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Bến Tre ban hành Kế hoạch triển khai  Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Từ nay tới năm 2030, Bến Tre đặt ra mục tiêu 100% vùng ven biển có 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển. Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển, phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển.

Trên cơ sở phân vùng sử dụng không gian biển quốc gia, phân vùng chức năng đới bờ tỉnh Bến Tre, từng bước khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các ngành, các cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sinh kế của người dân, môi trường biển, các hệ sinh thái biển, ven biển được bảo vệ hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 

Bến Tre tập trung triển khai các dự án sản xuất Hydro xanh tại 2 huyện Ba Tri và Thạnh Phú. Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới thân thiện môi trường, đảm bảo tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp đạt 32,3%.

Phát triển mô hình đồng quản lý thủy sản, tăng cường năng lực quản lý khai thác hợp lý nguồn tài nguyên biển. Ứng dụng các mô hình kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy hải sản theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng ven biển. Đến năm 2030 diện tích nuôi thủy sản biển đạt 42.000 ha, sản lượng đạt 136.000 tấn. 

Tỉnh tập trung hoàn thiện, nâng cấp cơ sở dữ liệu và hệ thống giám sát tàu cá kiểm soát phát triển tàu cá theo hạn ngạch giấy phép khai thác. Phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng tập trung các dịch vụ về một mối, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở: cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, cơ sở sửa chữa đóng tàu cá, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch ven biển gắn với khai thác, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, di sản văn hóa, di tích lịch sử-văn hóa, tâm linh. Bến Tre sẽ xây dựng sản phẩm đặc thù, thương hiệu du lịch tạo sức hấp dẫn, độc đáo, đặc sắc riêng. Phát triển du lịch chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường và an ninh-quốc phòng.

Trong thời gian tới, Bến Tre cũng phối hợp với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh triển khai Dự án đường ven biển qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh.  

Xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị các địa phương ven biển vững mạnh, bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng ven biển.

Anh Duy và nhóm PV, BTV