Để thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ manh mún, cuối năm 2022, người dân xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang đã chủ động liên kết với nhau thành lập HTX Hồ Hố Cao với 8 thành viên đẻ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ đó đến nay, HTX thường xuyên duy trì tổng đàn chăn nuôi hơn 10.000 con gà thịt và khoảng 2000 gà đẻ. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX thực hiện quy trình chăn nuôi khép kín an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy mỗi quả trứng gà ở đây đều có giá cao hơn trứng gà thông thường từ 1000 đến 1500 đồng/quả.

Ông Lê Hồng Hải-Giám đốc HTX Hồ Hố Cao cho biết, trước kia chúng tôi nuôi nhỏ lẻ thì đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, thị trường không ổn định. Từ khi tham gia vào HTX, có quy trình chuẩn, mọi thứ đi vào ổn định rất nhanh, các thành viên cso thu nhập tốt hơn.

Hơn 6 tháng nay, hoạt động phát triển kinh tế rừng ở thôn Đồn 19 cũng trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn với sự xuất hiện của HTX sản xuất và chế biến gỗ Hương Sơn. Tận dụng nguồn nguyên liệu từ hơn 1000ha rừng trồng của người dân, HTX đã đầu tư máy móc thiết bị thành lập 6 xưởng chuyên thu mua và chế biến gỗ ép với sản lượng bình quân từ 18.000-20.000 m3 mỗi tháng. Không chỉ giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động địa phương.

 

anh bai 32.jpg
HTX Dứa sạch Hương Sơn đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất dứa sạch theo chuỗi 

HTX Dứa sạch Hương Sơn tại thôn Kép 11, có 30 thành viên, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh cây giống và quả dứa sạch. Kể từ khi thành lập năm 2021 đến nay, HTX đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất dứa sạch theo chuỗi có gắn tem truy xuất nguồn gốc nhằm đẩy mạnh mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Trước đây, đường vào HTX nhỏ hẹp, việc đi lại, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Năm 2023, với nguồn hỗ trợ gần 1 tỷ đồng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, HTX đã được đầu tư xây dựng gần 1km đường bê tông vào khu vực sản xuất.

Nhờ đường đi thuận lợi nên việc tiêu thụ dứa và một số nông sản khác cùng vận chuyển phân bón của các thành viên HTX Dứa sạch Hương Sơn thuận lợi hơn. Sản phẩm được công nhận OCOP và tiêu thụ tại nhiều thị trường trong nước. 

Ông Nguyễn Văn Đăng – Phó Giám đốc HTX Dứa sạch Hương Sơn cho biết, nhờ điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nên năng suất trung bình đạt gần 40 tấn/ha. Doanh thu đạt từ 300-350 triệu đồng/ha, trừ chi phí đầu tư lãi khoảng 200 triệu đồng/ha.

Toàn huyện Lạng Giang hiện có 70 HTX với hơn 3.800 hộ thành viên tham gia kinh doanh sản xuất. Hoạt động của các HTX đã từng bước xóa bỏ sản xuất manh mún nhỏ lẻ, hướng đến mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Nhờ đó mà đến nay, doanh thu bình quân của HTX trên địa bàn huyện đã đạt 1,2 tỉ đồng/năm, tăng 75 triệu đồng so với thời điểm cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực KTTT, HTX đạt 57 triệu đồng/năm, tăng 3 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2022.

 Không chỉ đổi mới toàn diện bộ mặt KTTT, các HTX trên địa bàn huyện Lạng Giang còn phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó góp phần tạo nên sức sống mới cho khu vực nông thôn.

 Ông Vũ Văn Tiến, Phó trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện Lạng Giang nhận định: “Giai đoạn hiện nay, các HTX hoạt động thực chất, tự chịu trách nhiệm về phần kinh doanh của mình. Họ hoạt động theo Luật HTX cũng như doanh nghiệp, họ bỏ vốn ra để đầu tư và phải tính lợi nhuận, chứ không phụ thuộc vào Nhà nước. Vì vậy các HTX phải đề ra các phương án sản xuất kinh doanh hợp lý để phát triển bền vững”.

 Mai Anh