Thông tin được đưa ra tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); Sơ kết 3 năm (2021 - 2023) thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) do Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Ban Kế hoạch hỗ trợ (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức chiều 20/12.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, hoạt động của Liên minh HTX các tỉnh, thành phố đã được triển khai thực hiện tốt, bám sát Nghị quyết Đại hội của Liên minh HTX Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX tại địa phương. Gắn với thực hiện 3 chương trình MTQG và các chương trình, đề án của các tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có nhiều chuyển biến tích cực và đã đạt được những kết quả quan trọng

 

anh bai 29.jpg
Nhiều hợp tác xã ở Lào Cai đầu tư máy móc chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp

Theo đó, các mô hình KTTT, HTX tại vùng đồng bào DTTS&MN được thành lập mới tăng trong những năm gần đây, nhiều HTX đã khẳng định được hướng đi đúng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến nay, 28 tỉnh, thành phố đã có khoảng 3.000 HTX, gần 5.000 THT, 19 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, tạo việc làm cho hơn 150.000 lao động có mức thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Trong đó có khoảng 600 HTX ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, kinh doanh và gần 500 đơn vị áp dụng sản xuất theo chuỗi giá trị. Tính đến thời điểm hiện tại, các tỉnh, thành phố có hơn 900 HTX hoạt động hiệu quả thuộc các xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM kiểu mẫu, nâng cao và 4.683 chủ thể OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 12 sản phẩm được xếp hạng cấp quốc gia (OCOP 5 sao)…

Nhiều khu vực biên giới hiện nay đã có hàng trăm HTX hoạt động hiệu quả, đặc biệt là các HTX cây ăn quả sản xuất theo quy mô lớn để thực hiện xuất khẩu, từ đó thúc đẩy kinh tế nông lâm nghiệp tại địa phương và nâng cao đời sống cho người dân là đồng bào DTTS.

Tiêu biểu như HTX thổ cẩm Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) đã thu hút được 140 thành viên và nhiều hộ liên kết. Mỗi năm, HTX cung ứng hàng chục nghìn sản phẩm ra thị trường trong nước và nước ngoài. Nhờ đó, HTX đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho các thành viên ở mọi lứa tuổi, ít nhất cũng đạt khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, nhờ vậy mà họ không phải đi bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch như trước.

Hay như mô hình HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập ở Mộc Châu (Sơn La) với  20 năm kinh nghiệm phát triển. Nhờ có HTX mà các hộ dân đã liên kết được với nhau để trồng chè, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn hộ dân có thu nhập ổn định, kinh tế phát triển. Đồng thời giúp cây chè trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Mộc Châu.

Hiện nay, HTX chè Tân Lập đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, định hướng hữu cơ, đây là một hướng đi bền vững theo chủ trương, tinh thần của Chính phủ phát động. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng trọt, tiêu thụ và tổ chức các buổi tuyên truyền, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất cây chè đạt tiêu chuẩn, tạo dựng được vùng nguyên liệu sạch, hướng tới vùng nguyên liệu hữu cơ và thu hút được các hợp tác xã cùng lĩnh vực ở các vùng lân cận đến thăm quan, học hỏi.

Tại hội nghị, đại diện một số HTX chia sẻ kinh nghiệm, mô hình tốt về phát triển KTTT, HTX khu vực đồng bào DTTSMN. Bên cạnh đó, các đại biểu đã nêu lên một số khó khăn, tồn tại và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển KTTT trong thời gian tới. Đó là đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động phát triển KTTT, HTX đa ngành nghề, mô hình HTX điển hình tiên tiến; nhân rộng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh giỏi; phát triển KTTT với hạt nhân là HTX kiểu mới giữ vai trò liên kết các hộ thành viên. Đặc biệt, cần tích cực triển khai phần mềm quản lý HTX nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX, góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính.

 Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới cần chú trọng phát triển các HTX theo hướng chuỗi giá trị để mang lại giá trị lớn về chất lượng, số lượng nông sản. Muốn vậy, cần hỗ trợ HTX về nguồn lực cũng như hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, vì nội lực HTX còn mỏng. Nhất là việc hỗ trợ HTX đưa nông sản vào hệ thống siêu thị đang gặp khó khăn do cơ chế của chính các siêu thị, nên cần đẩy mạnh bằng các cơ chế, chính sách cho vay ưu đãi để hỗ trợ HTX đa dạng đầu ra, đầu tư máy móc, bao bì, xây dựng thương hiệu…

Thái Khang và nhóm PV, BTV