Cùng tìm hiểu về một cái khái niệm liên quan mật thiết và cơ bản nhất về cosplay nhé.

Cosplay:

Cosplay là cụm từ viết tắt của “costume” và “role play”. Cosplayer là người tham gia hội cosplay và thường sẽ khoác lên mình những bộ trang phục từ các nhân vật mà các bạn ấy yêu thích . Từ game, comic và cartoon, truyện tranh và phim hoạt hình của Mỹ - đến anime và manga - truyện tranh và phim hoạt hình của Nhật Bản. Bạn có thể search ra hàng loạt định nghĩa tương tự về cosplay trên google, nhưng điểm mấu chốt luôn là "trở thành nhân vật họ yêu thích", nghĩa là tiêu chí đặt ra cho việc này dựa trên độ tương đồng giữa nhân vật trong thế giới ảo với cosplayer khi cosplay. Sở dĩ phải nhẫn mạnh vấn đề như vậy, là do rất nhiều bạn trẻ hiện nay chỉ nhìn thấy bề nổi của cosplay: một hiện tượng lạ, cảm giác thú vị, nhanh chóng nổi tiếng mà quên đi những điều cơ bản của đam mê vô cùng kì công này.

Cosplay đòi hỏi nhiều công phu và tâm huyết

Costume:

Có thể được hiểu là bộ trang phục của cosplayer, thứ bắt buộc phải giống với nhân vật họ đang nhập vai. Bỏ qua chuyện một bộ costume xịn có giá trên trời hay việc cosplayer thường tự may trang phục, hoặc đặt may, hoặc đặt mua, chúng ta chỉ tìm hiểu một vài vấn đề nhỏ sâu kĩ hơn. Costume thường phong phú và đa dang vô cùng về kiểu dáng màu sắc, nó chính là biểu tượng cho sự tưởng tượng phong phú của con người, và khả năng "biến ảo thành thật" vô cùng tài tình của các thợ may. Đôi khi là những bộ quần áo rất bình thường, đôi khi quá nhiều chi tiết rườm rà cầu kì, hoặc đơn giản chỉ là một băng vải dài cuốn trên người, hoặc có quá nhiều họa tiết cầu kì bắt buộc phải thêu, vẽ thủ công. Qúa trình làm ra costume đối với những cosplayer có khả năng tự làm đồ được xem như cách họ hưởng thụ niềm đam mê của mình. Với những cosplayer không có khả năng tự làm, họ học cách làm việc để kiếm tiền đặt may, đặt mua những bộ costume đó từ nhiều nguồn khác nhau. Việc khoác lên những bộ costume để trình diễn với những người thực sự có đam mê chính là công việc cuối cùng, thay vì là công việc khởi đầu như nhiều thanh thiếu niên trẻ hiện nay. Dễ dàng kiếm được những bộ đồ chất lượng trung bình và mặc lên, sau đó mặc nhiên đi khắp nơi và tự rêu rao mình là cosplayer, những hiện tượng đó khiến cho cosplay ngày càng trở nên "nhạy cảm" trong cái nhìn của những người chưa hiểu.

Costume

Phụ kiện:

Bên cạnh costume, một phần không thể thiếu của cosplay chính là các phụ kiện vô cùng "hư cấu". Có lẽ costume còn có thể có phần gần gũi với cuộc sống thường ngày, còn phụ kiện cho cosplay chính là đặc trưng cơ bản minh chứng rằng nhân vật này đến từ thế giới ảo. Trừ những nhân vật thuộc cùng một game/phim/truyện có hệ thống vũ khí tương tự nhau (Ví dụ: Naruto có đồng phục, băng đầu, phi tiêu, kunai,...), thì thường mỗi nhân vật sẽ có phụ kiện (trang sức, vũ khí) riêng, vừa không giống nhau vừa không có trong cuộc sống hàng ngày. Đại đa số các nhân vật trong manga, anime, game, phim đều có phụ kiện riêng biệt, tính từ số 1 đến số hàng chục. Có những nhân vật toàn thân đều có phụ kiện: giáp ngực, tay, chân, eo, đùi, vũ khí, vương miện, ... vô cùng đồ sộ và cồng kềnh. Điển hình là các nhân vật trong các game MOBA ăn khách hiện nay như League of Legend, DotA, hay các nhân vật trong game kiếm hiệp cổ trang Trung Quốc như Kiếm Tam, Võ Lâm Truyền Kỳ,.... Phụ kiện này thường được các cosplayer tự mày mò và thực hiện, hoặc ủy thác những shop có tay nghề tốt hơn, hoặc đặt hàng các xưởng gia công với điều kiện phải có bản vẽ cẩn thận nếu không muốn bị sai lệch. Những chuyên gia làm phụ kiện cosplay có thể được ví von như những con người "biến giấc mơ thành hiện thực" khi hiện thực hóa những loại phụ kiện tưởng chừng như không thể như cánh, chiến giáp, quyền trượng phức tạp.

Vô cùng nhiều phụ kiện

Một vài loại phụ kiện thường được đặt mua từ các shop cosplay Trung Quốc như nhẫn, vòng cổ, lắc tay, lắc chân có họa tiết cầu kì... vì ở Việt Nam rất khó để gia công những sản phẩm đó với chất liệu kim loại.

Một trong số những phụ kiện cơ bản của cosplay mà tại Việt Nam hầu như không thể làm được là tóc giả. Từ những bộ tóc giả đủ màu sắc, độ dài đến những bộ đã được style theo nhân vật cố định. Yêu cầu của cosplay với tóc cũng rất khắt khe. Cách để mái, độ dài, kiểu dáng, phụ kiện trên tóc,... đều quan trọng và cần chú ý tỉ mỉ nếu không muốn bị "ném đá".

Thứ phụ kiện nhiều rủi ro nhất, và đáng tiếc là ở Việt Nam không thể tự sản xuất được chính là lens_Đôi mắt của nhân vật. Sở dĩ nói rủi ro, là vì nếu lỡ đeo phải lens chất lượng kém, hoặc đeo chung lens với người có bệnh về mắt, đôi mắt của cosplayer có thể gặp nguy hiểm không ngờ đến, và khó có thể khắc phục. Với những nhân vật mắt đen hoặc cùng màu mắt với cosplayer, không còn gì tuyệt vời hơn. Nhưng khi khác màu, hoặc đôi mắt nhân vật quá đặc biệt (Ví dụ: Mắt của các Ghoul trong Tokyo Ghoul, sharingan, rinnegan, byakugan trong Naruto, ... ), cosplayer bắt buộc phải đeo lens mới có thể nói là có diện mạo tương đối hoàn chỉnh.

Make up

Một trong số những điều không thể thiếu trong cosplay chính là make up (Tất nhiên trừ những nhân vật có costume hoặc phụ kiện che kín mặt như Ironman, Gaoranger, ...). Make up có thể khiến khuôn mặt cosplayer trông giống nhân vật hơn đến 50%, tất nhiên trừ khi bạn sinh ra đã có làn da trắng đều, khuôn mặt thon gọn mịn màng, mắt to mũi nhỏ, lông mày sắc nét, trông giống nhân vật 2D. Nếu như ngoại hình của bạn không được "chuẩn" nhân vật, make up sẽ giúp bạn sẽ trở thành một phiên bản (béo, gầy, chibi,...) của nhân vật bạn cos thay vì chỉ là một người mặc đồ giống nhân vật. Đặc biệt, make up rất quan trọng trong trường hợp bạn muốn "chuyển giới" trong cosplay.

Chưa make

Sau make

Roleplay

Đã xong phần bề ngoài, khi diện mạo của bạn đã khiến người xem liên tưởng đến nhân vật bạn định cosplay, thì yếu tố "biểu cảm" sẽ giúp bạn khẳng định với họ: Tôi chính là nhân vật đó đấy! Đây cũng là phần chứng tỏ bạn có đọc, có hiểu biết và có tình yêu với nhân vật mà bạn đang cosplay, một trong số những yêu cầu đầu tiên khi bắt đầu bước vào thế giới cosplay. Điều đó có nghĩa là nhân vật lạnh lùng thì bạn không nên nói cười liên tục, nhân vật hồn nhiên tươi tỉnh thì bạn không nên cau có, ... Hiểu tính cách nhân vật mà mình cos sẽ khiến cho cosplayer có thêm cái nhìn rất mới về mọi thứ xung quanh. Thậm chí yêu cầu về nhập vai trong cosplay còn khắt khe hơn với các diễn viên điện ảnh khi tham gia đóng phim. Cùng là hóa thân thành nhân vật, nhưng diễn viên được phép in đậm nét cá nhân của mình vào trong hình tượng có sẵn, còn cosplayer phải tuân thủ nghiêm ngặt hình tượng đó. Tuy nhiên, với tình trạng cosplay đang mở rộng với tốc độ nhanh chóng như hiện nay, mọi giới hạn đều có phần bị xóa nhòa. Từ đó nảy sinh nhiều vấn đề mới gây tranh cãi như freestyle, cosplay phong trào, ...

Hóa thân tuyệt đối vào nhân vật

Trên đây là những điều cơ bản nhất về cosplay mà tác giả chia sẻ từ kinh nghiệm của chính mình. Còn nhiều thiếu sót và chưa được sâu sắc do kinh nghiệm thực tế chưa có nhiều, nhưng vẫn xin chia sẻ như cẩm nang cơ bản cho các bạn trẻ lần đầu tiếp xúc với cosplay hiểu một cách đúng đắn hơn về đam mê đặc biệt và kì công này.

Lão Tiêu