Các nhà mạng di động lớn của Hàn Quốc bao gồm SK Telecom, KT và LG Uplus là những nhà mạng di động đầu tiên trên thế giới triển khai thương mại hóa mạng 5G vào tháng 4/2019. Bên cạnh sự tăng trưởng liên tục về thuê bao 5G trong hơn một năm qua thì những phàn nàn của khách hàng đối với chất lượng mạng vẫn tiếp tục tăng lên do thường xuyên ngắt kết nối, vùng phủ sóng hạn chế và chất lượng cuộc gọi kém.
Để nâng cao chất lượng của mạng 5G nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các nhà mạng di động đang cố gắng tăng số lượng trạm gốc 5G để giải quyết vấn đề chất lượng mạng trong thời gian tới.
Các nhà mạng Hàn Quốc bị khiếu nại chất lượng mạng 5G |
Một quan chức viễn thông cho biết: “Chúng tôi đang tăng mạnh số lượng các trạm gốc 5G của mình để tăng phạm vi vùng phủ sóng, mặc dù điều này đã bị chậm lại do sự bùng phát Covid-19. Trong một vài năm nữa, chất lượng sẽ tốt hơn đáng kể”.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra là các công ty viễn thông sẽ cần bao nhiêu thời gian và liệu có sự khác biệt đáng chú ý về chất lượng mạng hay không? Thời gian chờ đợi càng lâu, khách hàng càng phải chịu gánh nặng về các gói dữ liệu đắt tiền hơn nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn được quảng cáo. Hiện tại khách hàng Hàn Quốc đang phải trả nhiều hơn 10.000 won đến 20.000 won một tháng so với các gói dữ liệu LTE tương tự.
Nhiều người đăng ký 5G cho biết họ không cảm thấy có sự khác biệt về tốc độ khi chơi trò chơi trên di động và phát trực tuyến video so với 4G và cũng cho rằng 5G kém hơn về chất lượng dịch vụ internet với tình trạng mất kết nối thường xuyên.
Tuy nhiên, sẽ mất nhiều năm để cơ sở hạ tầng mạng 5G ổn định và khách hàng sẽ là những người phải trả giá bằng các gói dữ liệu đắt tiền nhưng với chất lượng dịch vụ không đáp ứng.
Theo các công ty viễn thông thì mạng 5G phải cần số lượng trạm gốc nhiều hơn 4 đến 5 lần số lượng trạm gốc của mạng 4G LTE để cung cấp vùng phủ sóng như nhau. Để kết nối trơn tru hơn, cách duy nhất là tăng mạnh số lượng trạm gốc trên khắp đất nước. Nếu đây là lý do chính, các công ty viễn thông sẽ phải đối mặt với khó khăn này mỗi khi họ triển khai một mạng di động thế hệ mới và khách hàng một lần nữa sẽ trở thành nạn nhân khi tiếp cận với mạng di động mới.
Không có gì phải bàn cãi khi nói rằng 5G là công nghệ quan trọng để đất nước dẫn đầu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và nó đặc biệt thu hút sự chú ý trong môi trường “không tiếp xúc” do đại dịch Covid-19 gây ra. Bản thân công nghệ này được đánh giá cao do các chức năng có thể được tích hợp trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Mặc dù công nghệ này có một tương lai tươi sáng ở phía trước, nhưng tại thời điểm hiện tại, các công ty viễn thông Hàn Quốc cần tăng cường nỗ lực trao đổi với khách hàng và tìm cách giải quyết nhanh chóng các vấn đề mà khách hàng phản ánh.
Phan Văn Hòa (theo Koreatimes)
5G sẽ chiếm khoảng 21% tổng vốn đầu tư hạ tầng di động năm 2020
Ngày 28/7, Công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu Gartner đã công bố dự báo cho thấy, đầu tư vào cơ sở hạ tầng 5G sẽ chiếm 21,3% thị trường cơ sở hạ tầng di động vào cuối năm 2020, tăng từ 10,4% trong năm 2019.