Trong ngành ôtô, nhiều hãng xe đã "không chịu nổi nhiệt" và phải gia nhập vào một liên minh hoặc bị các nhà sản xuất khác mua lại. Điều này rất phổ biến trên thế giới, như vào tháng 3/2017, Tập đoàn PSA (PSA Group) đã chi 2,3 tỷ USD để mua lại hai hãng Vauxhall và Opel.
Dưới đây là các nhà sản xuất ôtô lớn trên thế giới và các "chân rết" của mình.
Tập đoàn BMW (BMW Group)
Năm 1917, nhà sản xuất động cơ Rapp Motorenwerke đã chuyển đổi sang sản xuất ôtô với tên Bayerische Motoren Werke (BMW). Sau đó, hãng đã hợp nhất với công ty lắp ráp máy bay Bayerische Flugzeug-Werke vào năm 1912. Họ bước từng bước từ cung cấp động cơ sang lắp ráp hoàn thiện xe máy vào năm 1923, rồi đến ôtô từ năm 1928.
Tập đoàn BMW vẫn giữ cấu trúc khá đơn giản, với các thương hiệu: BMW, Mini, Rolls-Royce, và BMW Motorrad (xe môtô).
Tập đoàn Daimler (Daimler Group)
Daimler-Motoren-Gesellschaft (DMG) được thành lập vào năm 1899. Đến năm 1926, nhà sản xuất này sáp nhập cùng Benz & Cie. để trở thành tập đoàn Daimler-Benz (Daimler-Benz AG).
Thực tế, họ được biết đến rộng rãi thông qua thương hiệu xe sang Mercedes từ năm 1900. Emil Jellinek, đối tác của Daimler, đã mang những chiếc xe của hãng này đi đua dưới tên Mercedes, tên con gái mình. Liên tiếp những thành công trong các cuộc đua đã giúp Mercedes trở thành thương hiệu chủ đạo của Daimler từ năm 1902.
Daimler AG có trụ sở tại Stuttgart, Đức, với cơ cấu thương hiệu rất phức tạp; họ sở hữu: Mercedes-Benz, Smart, Mercedes-Benz Trucks (xe tải), Freightliner, Fuso, Western Star, Bharatbenz (Ấn Độ), Mercedes-Benz Vans, Mercedes-Benz Buses, Setra, Thomas Built.
Fiat Chrysler Automobiles
Nhà sản xuất Fiat của Italia và Chrysler của Mỹ đã chính thức hoàn thiện việc sáp nhập và trở thành Fiat Chrysler Automobiles (FCA) vào năm 2014. Quá trình này diễn ra từ năm 2011 khi Chrysler bắt đầu vỡ nợ với Fiat như chủ sở hữu một phần. Hãng xe Italia dần dần mua lại cổ phần cho đến khi họ hoàn toàn "chiếm" được Chrysler.
Fiat bắt đầu hoạt động từ năm 1899 với tên gọi khi đó là Società Anonima Fabbrica Italiana di Automobili Torino – F.I.A.T.
Walter Chrysler (nhà sáng lập Chrysler) đã nổi danh thậm chí trước khi thành lập nên Chrysler Motor Corporation vào năm 1925.
Về lý thuyết, FCA có trụ sở tại thủ đô London, Anh. Tuy nhiên, phần lớn công việc thực tế diễn ra tại văn phòng chính của Chrysler tại Auburn Hills (bang Michigan, Mỹ) và của Fiat tại thành phố Turin, Italia.
Hiện tại, FCA đang quản lý các thương hiệu: Chrysler, Dodge, Jeep, Ram, Fiat, Alfa Romeo, Fiat Professional, Lancia, Maserati.
Hãng siêu xe Ferrari cũng có quan hệ với FCA, nhưng về mặt tài chính vẫn hoàn toàn tách biệt. Trong khi đó, gia đình Angelli/Elkann, sở hữu 1/3 số cổ phần của FCA, cũng có lượng cổ phiếu đáng kể trong Ferrari.
Ford (Ford Motor Company)
Henry Ford đồng sáng lập nên Ford Motor cùng các nhà đầu tư vào năm 1903, và họ đã chế tạo nên một "mẫu xe quốc dân" vào năm 1908 với sự ra mắt của Model T. Khoảng 15 triệu chiếc xe loại này đã được sản xuất cho đến năm 1927.
Ford có trụ sở tại thành phố Dearborn (bang Michigan, Mỹ). Dù đã từng sở hữu rất nhiều hãng xe nổi tiếng như Aston Martin và Volvo, nhưng hiện tại Ford chỉ còn giữ lại thương hiệu Ford và Lincoln.
General Motors
William C. Durant, người sở hữu hãng xe Buick, đã thành lập nên General Motors vào năm 1908 như một công ty nắm giữ các thương hiệu ôtô. Ngay sau đó, họ đã mua lại các nhà sản xuất như Oldsmobile và Cadillac.
General Motors có trụ sở tại thành phố Detroit (bang Michigan, Mỹ). Dù sở hữu rất nhiều thương hiệu Mỹ, vụ phá sản của công ty vào năm 2009 đã dẫn tới việc đóng cửa hàng loạt hãng xe như Oldsmobile, Pontiac, Saturn và Hummer.
General Motors hiện vẫn còn sở hữu rất nhiều thương hiệu lớn như: Autobaojun (Trung Quốc), Buick, Cadillac, Chevrolet, GMC, Holden (Australia), Jiefang (hãng xe thương mại Trung Quốc), Wuling (Trung Quốc).
Honda (Honda Motor Company)
Sochiro Honda và Takeo Fujisawa thành lập nên Honda Motor vào năm 1948 và bắt đầu bán những chiếc xe máy đầu tiên vào năm 1949; ban đầu, họ sản xuất các động cơ kẹp để gắn vào xe đạp. Hãng xe này bắt đầu tiến vào thị trường ôtô bằng mẫu xe tải T360 vào tháng 8/1963 và mẫu xe thể thao S50 ra đời sau đó vài tháng.
Honda có trụ sở tại Minato, Tokyo, Nhật Bản, và quản lý các thương hiệu: Honda, Acura và Honda Powersports (bao gồm xe môtô, ATV, tàu thủy, và các loại phương tiện khác).
Hyundai (Hyundai Motor Company)
Hyundai bắt đầu kinh doanh từ ngành xây dựng vào năm 1947 nhưng đã mở rộng nhanh chóng và tiến sang ngành ôtô vào năm 1967. Ban đầu, hãng chế tạo một phiên bản của Ford Cortina với sự cho phép của hãng xe Mỹ rồi giới thiệu mẫu Pony của chính mình vào năm 1976.
Kia bắt đầu hoạt động từ năm 1944 với tên gọi Kyungsung Precision Industry, một hãng chuyên sản xuất các bộ phận của xe đạp. Tên chính thức Kia bắt đầu xuất hiện từ năm 1952, và họ bắt đầu chuyển sang thị trường ôtô vào năm 1962 bằng việc chế tạo mẫu K-360 - một mẫu xe tải 3 bánh cỡ nhỏ - được cấp phép bởi Mazda.
Kia phá sản năm 1997 và sáp nhập với Hyundai năm 1998. Hyundai Motor sở hữu các thường hiệu: Hyundai, Kia và Genesis.
Tập đoàn PSA (PSA Group)
PSA Group (hay còn có tên gọi Groupe PSA) được thành lập vào năm 1976 với sự hợp nhất của Peugeot và Citroën. Ban đầu tập đoàn được biết đến với tên gọi PSA Peugeot Citroën, và chuyển tên thành PSA Group vào năm 2016. Vào tháng 3/2017, họ cũng chi ra 2,3 triệu USD để mua lại hai hãng Opel và Vauxhall từ General Motors.
Trụ sở của PSA Group nằm ở Rueil-Malmaison, Paris Pháp, với các thương hiệu: Peugeot, Citroën, DS, Opel, và Vauxhall.
Renault-Nissan-Mitsubishi
Renault-Nissan mua lại cổ phần của Mitsubishi với số tiền 2,3 USD vào tháng 10/2016. Tron khi đó, Renault và Nissan thành lập liên minh vào 27/3/1999.
Liên minh này thực chất không có trụ sở chung. Renault hoạt động tại văn phòng chính tại Boulogne-Billancourt, Pari, Pháp; Nissan ở Yokohama, Japan; và Mitsubishi ở Minato, Tokyo (Nhật Bản).
Họ sở hữu rất nhiều thương hiệu khác nhau: Renault, Nissan, Mitsubishi, Dacia (xe giá rẻ), Alpine (xe hiệu suất cao), Infiniti, Datsun (xe giá rẻ tại các thị trường mới nổi), Lada (xe giá rẻ tại Nga), Renault-Samsung (Hàn Quốc), Venucia.
Toyota (Toyota Group)
Bộ phận ôtô của Toyoda Automatic Loom Woks tham gia vào thị trường xe với mẫu bán tải G1 năm 1935. Công ty đã tách riêng bộ phận này và thành lập Toyota Motor vào năm 1937. Sản phầm đầu tiên của nhà sản xuất là mẫu xe tải GA, phiên bản nâng cấp của G1.
Toyota có trụ sở tại thành phố Toyota, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Họ quản lý các thương hiệu: Toyota, Lexus, Hino (xe thương mại), Daihatsu (xe cỡ nhỏ).
Gần đây, Toyota đã đầu từ mua lượng cổ phiếu đáng kể của hai nhà sản xuất Nhật Bản. Vào tháng 8/2019, họ mua lại gần 5% cổ phần của Suzuki và đến tháng 9, Toyota tiếp tục mua ít nhất 20% cổ phần của Subaru.
Tập đoàn Volkswagen (Volkswagen Group)
Volkswagen được thành lập với mong muốn có một "chiếc xe quốc dân" của Đức Quốc xã để người dân di chuyển dễ dàng. Nhà máy của hãng chỉ có thể sản xuất số lượng ít xe trước khi Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ, và phải chuyển sang sang sản xuất xe quân sự.
Sau chiến tranh, mẫu Beetle huyền thoại đã ra đời, và có tổng số xe bán ra đạt 21 triệu chiếc. Volkswagen có trụ sở tại Wolfsburg, Đức, và sở hữu hàng loạt thương hiệu nổi tiếng: Volkswagen, Audi, Bentley, Bugatti, Lamborghini, Porsche, SEAT, Skoda, MAN (xe tải hạng nặng), Scania (xe tải hạng nặng), Volkswagen Commercial Vehicles (xe thương mại), Ducati (xe môtô).
Tập đoàn Tata (Tata Group)
Jamsetji Nusserwanji Tata đã thành lập một công ty thương mại ở Mumbai (trước đây là Bombay), Ấn Độ vào năm 1868. Họ đã tham gia vào nhiều ngành, bao gồm dệt may và điều hành một khách sạn sang trọng. Hãng chuyển sang ngành kinh doanh sắt và thép vào năm 1907. Đến năm 1945, Tata Motors xuất hiện.
Nổi tiếng nhất vào năm 2008, Tata Motors đã mua lại hai hãng xe sang của Anh: Jaguar và Land Rover. Tập đoàn này vẫn có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ và có tất cả 4 thương hiệu: Tata, Land Rover, Jaguar, Tata Daewoo (xe thương mại).
Zhejiang Geely
Li Shufu (Lý Thư Phúc) thành lập Zhejiang Geely Holding Group (tập đoàn Zhejiang Geely) vào năm 1986, và tạo nên thương hiệu ôtô Geely Automobile vào năm 1997. Dù là một doanh nghiệp còn khá trẻ nhưng hãng đã rất nổi tiếng với nhiều thương vụ mua lại thông minh.
Zhejiang Geely có trụ sở tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, và sở hữu các thương hiệu: Geely Auto, Volvo, Lotus (hãng xe thể thao của Anh), Proton (Malaysia), London EV Company, Polestar, Lynk & Co, Yuan Cheng Auto (xe thương mại), Terrafugia (xe bay).
Theo Tiền phong/Motor1