Những thách thức chưa từng có

Dịch bệnh Covid-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có, do đó cũng đòi hỏi những biện pháp chưa từng có tiền lệ.

Ngay từ rất sớm, các nước ASEAN đã sớm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, trợ giúp nhau về kỹ thuật, khởi động các cơ chế ứng phó khẩn cấp về y tế của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các Đối tác.

Các nước đã thể hiện quyết tâm chính trị ở mức cao nhất nhằm đẩy mạnh phối hợp hành động và ứng phó chung để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, đã đưa ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN ở Cấp cao, các Tuyên bố cấp Bộ trưởng chuyên ngành như quốc phòng, kinh tế, du lịch… đề ra các biện pháp phối hợp hành động ứng phó dịch bệnh Covid-19.

{keywords}
Các nước ASEAN cùng nhau hợp tác nhằm giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh

Số lượng các hội nghị tăng lên để kịp thời ứng phó với Covid-19 (Cấp cao ASEAN họp 3 lần trong năm thay vì 2 lần theo thông lệ), nhiều hội nghị Cấp cao, Bộ trưởng lần đầu được tổ chức trực tuyến, cùng nhiều văn kiện quan trọng đã được ký kết, thông qua. Quan trọng hơn, thành công đó đã và đang mang lại những bài học kinh nghiệm quý trong huy động sức mạnh tập thể không chỉ ở tầm khu vực mà cả ở tầm quốc tế, tạo nên những chuẩn mực trong ứng phó với những thách thức chung của nhân loại.

Từ việc đề ra chủ đề rất đúng và trúng là hướng tới “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, tới cách đề xuất ưu tiên, ý tưởng, sáng kiến, cho đến phương thức chuẩn bị, chủ trì điều hành các hội nghị, soạn thảo các văn kiện chung đã phản ánh được lợi ích của Cộng đồng và quan tâm riêng của các nước liên quan. Các sáng kiến thể hiện cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ mang tính “Cộng đồng”, hướng đến người dân, vì người dân của ASEAN trong hợp tác đẩy lùi đại dịch toàn cầu, thích ứng và từng bước phục hồi toàn diện. Thông qua đó, ASEAN càng bền chặt, gắn kết và “Cộng đồng” hơn, củng cố niềm tin cho người dân đối với Cộng đồng.

Giai đoạn bản lề để triển khai Tầm nhìn xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2025

Cộng đồng ASEAN đang bước vào giai đoạn bản lề của việc triển khai Tầm nhìn xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2025, hướng tới các mục tiêu cao hơn, mới hơn vì hòa bình, ổn định bền vững, phát triển, phồn vinh lâu dài ở khu vực. Tuy nhiên, sự bùng phát đại dịch Covid-19 năm 2020 và hệ quả lâu dài đặt ra nhiều thách thức mới không thể lường trước, nguy cơ làm chậm đà phát triển của Cộng đồng và các nỗ lực đã đạt được trên về hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Trước tình hình đó, triển khai các biện pháp quyết liệt, kịp thời, tổng thể, đồng bộ trong toàn Cộng đồng ASEAN là giải pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn các rủi ro tồi tệ hơn của dịch bệnh, duy trì đà hợp tác, đẩy mạnh nỗ lực phục hồi, tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong những năm tới. Hơn lúc nào hết, chống dịch đã trở thành trách nhiệm chung không của riêng ai.

Ngay khi bùng phát dịch bệnh, các quốc gia thành viên ASEAN đã đặt ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn cho người dân, hỗ trợ lẫn nhau và tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ tối đa công dân ASEAN ở nước mình đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Điều đó cho thấy, tinh thần đoàn kết và lớn hơn là sự hợp tác, phối hợp quốc tế là những thành tố thiết yếu hơn bao giờ hết.

Với kinh nghiệm từng ứng phó với các đại dịch trước đây như dịch SARS (2002 - 2003) và dịch MERS (2012), ASEAN thực sự thể hiện khả năng phản ứng mau lẹ, kịp thời trước thách thức chung, cũng như năng lực gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động giữa các thành viên. ASEAN đã sớm có Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN đối với Covid-19 (ngày 14/2/2021) và tiếp đó là một loạt những cuộc họp cấp Bộ trưởng quan trọng trên các lĩnh vực y tế, kinh tế, quốc phòng, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp,… nhằm bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, liên ngành trong phòng, chống dịch.

Có thể nói, bước ngoặt trong nỗ lực chống dịch của ASEAN chính là việc các nhà lãnh đạo đã họp Hội nghị Cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về Covid-19, ngày 14/4/2020 và ra Tuyên bố chung của các hội nghị này. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, lãnh đạo các nước đã cùng nhau đề ra các định hướng và biện pháp hợp tác trên 3 khía cạnh then chốt là: kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh; hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho công dân của nhau; giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội của dịch bệnh.

Hồng Hạnh