Theo Ban Chỉ đạo, dịch bệnh trên thế giới và nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; còn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào.
Vì vậy, công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân; khôi phục và phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an dân, an sinh, trật tự an toàn xã hội.
Từng bước mở dần đường không, đường sắt, đường bộ
Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả việc khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm và điều trị phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại từng địa bàn trên phạm vi hẹp nhất có thể.
Về việc tổ chức cho người dân về quê theo nguyện vọng, Ban Chỉ đạo yêu cầu tăng cường tuyên truyền, vận động, bảo đảm an sinh, tiêm chủng vắc xin, an ninh trật tự xã hội để người dân yên tâm ở lại.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng 9/10. Ảnh: VGP |
Các địa phương liên quan trao đổi, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để tổ chức, hỗ trợ, đưa đón người dân có nhu cầu về quê bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh cho người dân trong quá trình di chuyển và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch...
Các tỉnh, thành phố tiếp nhận người về tổ chức thực hiện việc cách ly và xét nghiệm cho người dân theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ban Chỉ đạo lưu ý, các địa phương thống nhất về đi lại liên tỉnh bằng các phương tiện của cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; từng bước mở dần các hoạt động vận tải hành khách công cộng (đường không, đường sắt, đường bộ) trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Về hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới lỏng, mở cửa đối với các hoạt động đi lại, giao thông, sản xuất, giáo dục, du lịch, dịch vụ… với lộ trình cụ thể, khả thi.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy việc giao vắc xin đúng tiến độ và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc, ưu tiên tiêm cho nhóm từ 65 tuổi trở lên; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để bảo đảm việc tiêm chủng vắc xin khi số lượng vắc xin về nhiều.
Thu hút lao động quay trở lại làm việc
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; khẩn trương rà soát, không để sót đối tượng hỗ trợ; chăm lo sức khỏe, đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo lưu ý, bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại làm việc, từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất |
Cùng với đó là tiếp tục rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động; triển khai chương trình phục hồi và ổn định thị trường lao động, trọng tâm là các chính sách quan tâm, hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại làm việc, từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường giám sát, theo dõi, hỗ trợ, chủ động hướng dẫn, xử lý các vướng mắc liên quan để tạo thuận lợi cho công nhân, người lao động.
Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội; thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt là hướng dẫn các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng trong tình hình mới.
Đồng thời, tiếp tục khẩn trương hoàn thiện ứng dụng PC-Covid để sớm thống nhất sử dụng tạo tiện lợi và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của người dân.
Đến 8/10, cả nước đã ghi nhận khoảng 828.000 ca mắc, 759.000 người đã khỏi bệnh (91%) và 20.300 ca tử vong; có 10/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng).
Số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó. Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 5 ca (giảm 10 ca so với tuần trước); TP. HCM 15.070 ca (giảm 14.766); Bình Dương 400 ca (giảm 559); Đồng Nai 41 ca (giảm 19); Khánh Hòa 8 ca (giảm 57), Kiên Giang 13 ca (giảm 18).
Một số địa phương ghi nhận số ca mắc cộng đồng tăng so với tuần trước, gồm: An Giang 495 ca (tăng 177 ca), Bà Rịa-Vũng Tàu 72 ca (tăng 53), Bình Thuận 148 ca (tăng 45 ca), Quảng Ngãi 39 ca (tăng 32 ca), Hà Nam 25 ca (tăng 17 ca).
Đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt.
Thu Hằng
Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc
Theo thông tin từ cuộc họp sáng 9/10 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình.