"Chúng ta cứ trách các trường, nhưng chưa bao giờ hỏi các hiệu trưởng vì sao phải lạm thu. Chính các nghị định khuyến khích các nhà trường tạo ra các khoản thu để có quyền tự chủ thì các nhà trường phải lạm thu mà thôi" - ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhìn nhận.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, lạm thu là hệ quả tất yếu của quan niệm về tự chủ trường phổ thông tại các nghị định của nhà nước được tiếp cận theo kiểu thị trường khi nó khuyến khích các trường tự đảm bảo các khoản chi để lấy các khoản chi đó "mua" quyền tự chủ.

{keywords}
Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến (giữa) trong hội thảo giáo dục 2017 hôm 22/9.

Bài tham luận về quyền tự chủ trường phổ thông ở Việt Nam của ông Tiến tại hội thảo giáo dục 2017 hôm 22/9 đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của nhiều đại biểu.

Theo ông Tiến, Luật Giáo dục 2005 đã quy định nguyên tắc quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó nhà nước thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục.

Quy định này được cụ thể ở điều 58 về nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường với 3 nội dung: 1. Nhà trường có quyền tuyển dụng nhà giáo và tham gia và quá trình điều động nhà giáo. 2. Nhà trường có quyền huy động và sử dụng, quản lý các nguồn lực theo quy định của pháp luật. 3. Nhà trường có nhiệm vụ tự đánh giá chất lượng giáo dục và chịu sự kiểm định chất lượng của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo ông Tiến "từ tự chủ trên văn bản đến tự chủ trên thực tế là một khoảng cách lớn". 

Đến nay, các trường phổ thông công lập hầu như không có trường nào được quyền quyết định tuyển dụng giáo viên, thậm chí nhiều sở, phòng GD-ĐT cũng không có quyền trong tuyển dụng giáo viên.

Phân tích hiện trạng tự chủ ở các trường phổ thông ở nước ta hiện nay, ông Tiến dẫn lại kết quả nghiên cứu của Ngân hàng thế giới đánh giá vè tự chủ trường học của một số nền kinh tế Đông Á năm 2011 cho thấy, Việt Nam mới ở chặng đầu tiên, đã vượt qua giai đoạn tiềm ẩn để bước vào giai đoạn bước đầu.

Theo đó, việc đánh giá của nghiên cứu này dựa vào 5 tiêu chí: 1, mức độ tự chủ trong lập kế hoạch va quản lý ngân sách nhà trường. 2, mức độ tự chủ trong quản lý nhân sự, 3, vai trò của hội đồng trường trong quản trị nhà trường, 4, đánh giá học sinh và đánh giá trường học, 5 giải trình với các bên liên quan.

Việc đánh giá được thực hiện bằng một thước đo là những thông lệ tốt của thế giới, theo đó thang đánh giá bao gồm 4 bậc từ thấp đến cao, với tên gọi lần lượt là: Tiềm ẩn (TA- tức là mới chỉ phản ánh được 25% thông lệ tốt), bước đầu (BĐ - tức là phản ánh được từ 26-50% thông lệ tốt), định hình (ĐH- tức là phản ánh được gần 75% thông lệ tốt), tiên tiến (TT-về cơ bản phản ánh được những thông lệ tốt của thế giới).

Theo ông Tiến, trong số 5 tiêu chí được đưa ra thì tự chủ về nhân sự và vai trò của hội đồng trường trong các trường ở Việt Nam còn ở mức rất thấp (tiềm ẩn), trong khi đó trách nhiệm giải trình chỉ ở mức khởi đầu.

Từ đó, ông Tiến nhận định, điểm yếu trong việc thực hiện tự chủ trường phổ thông ở Việt Nam là thiếu đồng thuận trong nhận thức về tự chủ trường học và còn nhiều bất cập trong tự chủ về nhân sự, vai trò của hội đồng trường và trách nhiệm.

Từ tiếp cận thị trường đến tiếp cận chất lượng

Theo ông Tiến, để thực hiện tự chủ trong trường phổ thông, trước hết, cần phải có sự đồng thuận nhận thức đối với một số nội dung quan trọng của tự chủ.

Trong khi đó, các Nghị định 43 từ 2006 đến Nghị định 16 năm 2015 quy định về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thì nhà trường công lập được tự chủ hay không và tự chủ đến mức độ nào hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tự đảm bảo các khoản chi.

"Quy định này đang biến tự chủ thành một mục đích để theo đuổi chứ không phải là phương tiện để nâng cao chất lượng dạy học".

{keywords}
Kết quả đánh giá tự chủ trong trường phổ thông ở một số nước Đông Á và Việt Nam.

Cái mà các nghị định này hướng tới là giảm chi ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực dịch vụ công. Điều này là cần thiết nhưng không thể áp dụng đồng loạt cho mọi lĩnh vực cũng như trong cùng một lĩnh vực như giáo dục.

"Điều này có thể đúng với giáo dục nghề nghiệp và đại học chứ giáo dục phổ thông thì không. Cần coi giáo dục phổ thông đặc biệt là giáo dục phổ cập từ mẫu giáo 5 tuổi cho đến hết trung học cơ sở là dịch vụ công thiết yếu, nơi nhà nước đầu tư ngân sách để đảm bảo các khoản chi của nhà trường".

Việc thu học phí có thể đặt ra ở trung học phổ thông hoặc ở một số cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu của thị trường chất lượng cao trong giáo dục chứ tuyệt nhiên không nên đặt yêu cầu về tự đảm bảo các khoản chi như một điều kiện tiên quyết cho tự chủ.

Nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhìn nhận, cách tiếp cận về tự chủ theo kiểu thị trường đã tạo nên trong nhà trường phổ thông môi trường mà cả thầy và trò đều đối diện với các xung đột về giá trị.

"Một bên là giá trị phẩm chất mà chúng ta mong muốn ở người học và một bên là các giá trị thị trường mà nhà trường bắt buộc phải theo đuổi để có các khoản thu. Điều này là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng lạm thu mà năm nào cũng nói đi nói lại".

"Tôi cho rằng, chúng ta cứ trách các nhà trường nhưng chưa bao giờ hỏi các hiệu trưởng các trường công lập vì sao phải lạm thu. Vì chính Nghị định 43 và Nghị định 16 khuyến khích các nhà trường tạo ra các khoản thu để có quyền tự chủ thì các nhà trường phải lạm thu mà thôi" - ông Tiến nhìn nhận.

Từ đó, ông Tiến đề xuất một cách tiếp cận mới dựa trên văn hóa chất lượng: Các trường vẫn được nhà nước bảo đảm các khoản chi cần thiết nhưng chỉ giao quyền tự chủ khi nhà trường đảm bảo các 3 điều kiện: Công nhận chất lượng, hội đồng trường đủ mạnh và trách nhiệm giải trình.

"Chỉ có như vậy mới tạo nên trong nhà trường phổ thông một môi trường văn hóa lành mạnh và trung thực để cả thày và trò cùng vững tâm hướng các giá trị mong muốn".

Trên cơ sở thống nhất nhận thức, theo ông Tiến, cần phải sửa đổi khung pháp lý về tự chủ phổ thông, trong đó có 2 việc phải làm: Ban hành nghị định riêng về tự chủ trường phổ thông. Thứ 2 trên cơ sở đó sửa đổi điều lệ trường phổ thông.

"Hiện nay điều lệ đang được soạn thảo bởi các nhà hoạch định chính sách, nhà trường phổ thông là nhà trường tuân thủ thực hiện ý kiến chỉ đạo từ trên xuống là không đúng".

Bên cạnh đó, cần thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết 29 của BCH TƯ là phân định quản lý nhà nước và quản trị cơ sở. "Lâu nay không phân định nên cơ quan quản lý giáo dục vẫn can thiệp vào công việc của nhà trường và sau đó thường thay vai trò của hội đồng trường. Đó là một trong những lý do khiến hội đồng trường của nước ta không thể phát huy được vai trò. Do đó phải thể chế hóa điều này".

Cuối cùng, cần thiết phải xây dựng năng lực phù hợp cho toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý ở cả cấp hệ thống và cấp tường.

"Hiện nay các cán bộ quản lý, hiệu trưởng đều có năng lực cả nhưng đó là năng lực của một hệ thống chỉ huy và biện pháp, năng lực của nhà trường tuân thủ chứ không phải năng lực tự chủ. Tất cả năng lực đó lại đang là rào cản cho việc thực hiện tự chủ trường phổ thông" - ông Tiến phân tích.

Lê Văn

TS Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu giáo dục IRED): 

Hiện nay ở nhiều nước đang có một xu hướng nổi bật, đó là “thị trường hóa giáo dục”. Phải làm rõ khái niệm này kẻo người ta hiểu nhầm sang “thương mại hóa” giáo dục.

Thị trường giáo dục là một mô hình tổ chức giáo dục, một khuynh hướng cải cách hiện nay trên thế giới và nó cũng là tên gọi của một lý thuyết trong nghiên cứu giáo dục.

Người ta lấy khái niệm này từ kinh tế học để nói về một mô hình tổ chức giáo dục. Như ta đã biết, từ năm 1986 đến nay, kinh tế Việt Nam phát triển được là nhờ mô hình thị trường, đặt sự cạnh tranh làm động lực, có nhiều thành phần kinh tế.

Mô hình thị trường học lấy người dân làm trọng tài, đặt quyền chọn lựa của họ làm căn cứ điều tiết. Tôi xin sử dụng từ ngữ của kinh tế để minh họa, người dân chọn món hàng nào nhiều hơn thì công ty sản xuất món hàng đó sẽ phát triển, và ngược lại, món hàng nào đa số người dân không lựa chọn thì nơi sản xuất ra nó sẽ có nguy cơ phá sản. Như vậy, sự điều tiết dựa trên sự chọn lựa của khách hàng.

Trên thế giới, người ta đang tìm cách thị trường hóa giáo dục để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục. Các nước châu Âu, nơi nổi tiếng xem giáo dục như là một thiết chế công, Nhà nước can thiệp rất mạnh tay. Tuy nhiên, hàng loạt các nước này, trong đó có Pháp đã phải cải cách giáo dục theo hướng thị trường, đó là đặt quyền chọn lựa của người dân lên trên hết.

Họ hiểu rằng, muốn giáo dục phát triển thì phải thúc đẩy sự cạnh tranh, cho các gia đình có quyền chọn lựa, mà muốn chọn lựa, thì phải đa dạng về nguồn cung, tạo ra nhiều sự lựa chọn. Các nước như Bỉ, Hà Lan, quyền chọn lựa của người dân được đưa vào trong hiến pháp. Muốn thúc đẩy sự cạnh tranh, cơ sở đào tạo phải có quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm, chủ động tạo ra những chiến lược mang đặc thù riêng, thu hút học sinh và phụ huynh.

Người dân khi quyết định cho con học trường nào thì Nhà nước sẽ rót tiền cho gia đình đứa trẻ hoặc viện trợ cho trường nơi trẻ theo học. Nhà nước làm như vậy để đảm bảo quyền được học tập và quyền được chọn lựa của người dân. Như vậy, các trường buộc phải cạnh tranh để thu hút học sinh, vì học sinh là nguồn thu của học, trường nào không có ai chọn lựa thì sẽ phải đóng cửa. Lúc đó, Nhà nước rất là “khỏe”! Nói chung sự cạnh tranh bao giờ cũng thúc đẩy sự phát triển và người được hưởng lợi là “ khách hàng”.

  • Hương Giang (Ghi)