Nhanh nhạy chuyển hướng đào tạo

Từ khi có kế hoạch triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường sư phạm đã chuyển hướng đào tạo để bắt kịp với yêu cầu đổi mới chương trình. Ngay mùa tuyển sinh năm 2019, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh mở ngay ngành đào tạo Sư phạm Khoa học Tự nhiên với 50 chỉ tiêu. Năm 2020, trường tuyển 43 chỉ tiêu cho ngành đào tạo Sư phạm Lịch sử-Địa lý. Đến năm 2021, chỉ tiêu tuyển mới với ngành Khoa học Tự nhiên lên đến 160 sinh viên, ngành Lịch sử - Địa lý là 190 em.

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng cũng mở ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên và Sư phạm Lịch sử - Địa lý ngay năm 2019 với 50 chỉ tiêu mỗi ngành. Năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành này tăng gấp đôi. Năm 2021 tiếp tục tăng lên 120 chỉ tiêu.

Đại diện trường này cho biết, nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo từ 25-35 tín chỉ cho giáo viên (đã có một bằng đại học chuyên ngành) để có thể dạy được các môn liên môn và tổ chức hoạt động trải nghiệm. Về lâu dài, nhà trường đã xây dựng chương trình và đang tiến hành đào tạo giáo viên liên môn như các chuyên ngành: Sư phạm Lịch sử - Địa lí, Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Công nghệ, Sư phạm Tin học và Công nghệ tiểu học để có thể cung cấp nguồn giáo viên được đào tạo bài bản chính quy cho các môn học này.

{keywords}
Các trường sư phạm nhanh nhạy chuyển hướng đào tạo, nỗ lực đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo viên. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới đối với giáo viên THCS, nhà trường đã tích cực chuyển hướng đào tạo. Cụ thể, bên cạnh việc mở các chuyên ngành sư phạm Khoa học Tự nhiên và Lịch sử-Địa lý, trường bổ sung ngay kiến thức sư phạm liên môn cho sinh viên đang học tại trường; để khi tốt nghiệp, các em đủ khả năng đảm nhận các môn học tích hợp trong chương trình mới. 

Thậm chí, theo ông Phương, các sinh viên của nhà trường còn được bồi dưỡng giống như giáo viên phổ thông cốt cán để có thể chủ động thực hiện có hiệu quả chương trình này khi ra trường.

Nỗ lực đảm bảo chất lượng giáo viên

Để triển khai chương trình mới, đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại. Theo Bộ GD-ĐT, tính đến cuối năm học 2020-2021, đã có hơn 579.000 lượt giáo viên trung học được bồi dưỡng các modul 1,2,3 về hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

Đối với bậc tiểu học, 100% giáo viên dạy lớp 1 cũng hoàn thành bồi dưỡng một số nội dung trước năm học mới và tiếp tục triển khai trong năm, để dạy học hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của chương trình.

Đến nay, các địa phương đã hoàn thành bồi dưỡng 3 modul đầu về hướng dẫn thực hiện chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá cho giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cốt cán.

Để có được kết quả này, 7 trường đại học sư phạm chủ chốt đã phối hợp cùng với 63 Sở GD-ĐT trên cả nước thực hiện bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán và đại trà. Đơn cử, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế cũng đã thực hiện tập huấn, bồi dưỡng 3 modul  cho 4.000 giáo viên phổ thông cốt cán của 10 tỉnh miền Trung. 

Còn Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đã bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán và đại trà từ mô đun 1 đến 4, trong đó có các môn học và hoạt động giáo dục mới.

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Lào Cai, Bắc Giang và Yên Bái để tập huấn cho giáo viên cốt cán. Theo lãnh đạo nhà trường, thông qua các khoá tập huấn, bồi dưỡng, giáo viên phổ thông cốt cán được phát triển các kĩ năng về công nghệ thông tin, tự học, tự bồi dưỡng, làm việc nhóm trong sinh hoạt chuyên môn theo phương thức cả trực tuyến và trực tiếp, phát triển chương trình môn học.

Để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, trường đã mời các giảng viên có kinh nghiệm, tham gia biên soạn chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa để trao đổi, xây dựng các nội dung bồi dưỡng theo hướng mô đun hóa. Các nội dung được trao đổi theo các mô đun có tính chất độc lập tương đối, nhưng sau khóa bồi dưỡng các mô đun sẽ kết nối lại tạo thành một tổng thể thống nhất có thể giúp thầy cô vận dụng, triển khai ngay trong công việc của mình.

TS Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk chia sẻ, đơn vị phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để bồi dưỡng giáo viên địa phương. Nội dung bồi dưỡng hướng đến trang bị cho cán bộ, giáo viên những kiến thức cơ bản để có thể vận dụng ngay vào thực tế. Hiện, giáo viên đã chủ động, linh hoạt trong việc triển khai Chương trình phổ thông mới. Đây là kết quả sự nỗ lực của các địa phương, giáo viên, các trường sư phạm trong việc triển khai chương trình mới.

Hải Nguyên

Thẩm định hơn 150 bản mẫu sách giáo khoa mới

Thẩm định hơn 150 bản mẫu sách giáo khoa mới

Trong tháng 9 và tháng 10/2021, Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của các khối lớp 3, 7, 10.