Hè đến, thời tiết oi nóng và cái nắng chói chang khiến việc sử dụng điện với các thiết bị làm mát đạt công suất tối đa ở mỗi gia đình. Tuy nhiên, đi kèm với công dụng làm mát hiệu quả thì những thiết bị này cũng ngốn kha khá tiền điện của mỗi gia đình.
Chẳng thế mà mỗi khi nhận hóa đơn tiền điện chị em lại than trời kêu khóc và xót xa ví đến thế. Tuy nhiên, cũng không phải có cách để giúp chị em chủ động hơn trong việc quản lý việc sử dụng các thiết bị điện trong nhà. Từ đó bớt bàng hoàng khi nhận hóa đơn điện mỗi tháng.
Công thức tính lượng điện tiêu thụ trên thiết bị
Bước 1: Tìm công suất trên nhãn thiết bị
Hầu hết các thiết bị có công suất cao đều có nhãn mô tả năng lượng ở mặt sau hoặc dưới đế của thiết bị. Chúng ta nhìn vào đây để tìm công suất, được ký hiệu với đơn vị là “W” hoặc "kW".
Một số thiết bị điện không chỉ ra mức công suất cụ thể mà để phạm vi/khoảng chẳng hạn như “200 – 300W”. Những trường hợp như thế này bạn có thể lấy mức giữa là 250W.
Ví dụ công suất trên thiết bị ti vi. |
Ví dụ công suất trên thiết bị điều hòa. |
Bước 2: Tính lượng điện tiêu thụ
Sau khi tìm được công suất hoạt động của sản phẩm, thông qua thông số này, chị em có thể nhận biết lượng điện năng tiêu thụ trong một tháng là bao nhiêu. Công suất của thiết bị điện thường được nhà sản xuất ghi trên bao bì hay trên nhãn năng lượng.
Ở bài viết này, chúng ta sẽ tính toán trên cơ sở lý thuyết để ước tính sơ bộ, nhưng trong thực tế mức công suất tiêu thụ điện (kwh) của bạn thường sẽ thấp hơn.
Công thức tính lượng điện tiêu thụ cho các thiết bị điện trong nhà như sau:
Ví dụ nhanh giúp chị em cách tính cho 3 thiết bị làm mát trong nhà có tần suất sử dụng trong ngày hè nhiều nhất. Lưu ý: Bài toán áp dụng trên giá tiền điện, tính trung bình 2.500 đồng/số.
1. Điều hòa
1 máy điều hòa nhiệt độ 9000 BTU có công suất dao động từ 800 – 850 W. Các máy 12000 BTU có công suất 1500W. Như vậy, nếu một chiếc điều hòa nhiệt độ 9000BTU chạy trong vòng một tiếng đồng hồ sẽ tiêu tốn 0,85KWh (gần 1 số điện).
Giả sử một ngày điều hòa hoạt động trong khoảng 8 tiếng.
Vậy lượng điện tiêu thụ trong một ngày sẽ là: 0,85 kW/h x 8h = 6,8 kW/8h.
Tổng tiền bạn phải trả là cho thiết bị điều hòa 1 tháng sẽ là: (6,8 kW x 2.500 đồng) x 30 ngày = 510.000 (đồng).
2. Tủ lạnh
Tương tự với tủ lạnh của gia đình. Dù có chạy công nghệ Inverter tiết kiệm điện thì công suất tiêu thụ cũng sẽ là 170W tương đương 0,17 kW.
Thường các gia đình sẽ chạy tủ lạnh 24/24. Theo công thức tính ta có:
Lượng điện tiêu thụ 1 ngày của tủ lạnh sẽ là: 0,17 kW/h x 24h = 4,08 kW/24h
Tính ra một tháng số tiền phải trả là: (4,08 kW x 2.500 đồng) x 30 ngày = 306.000 (đồng).
3. Máy giặt
Máy giặt cũng là thiết bị gia dụng sử dụng với tần suất nhiều trong gia đình, nhất là với các gia đình có con nhỏ. Một sản phẩm máy giặt trên thị trường với công suất 200W, tương đương 0,2 kW.
Nếu gia đình bạn sử dụng máy giặt khoảng 2 tiếng mỗi ngày.
Tính ra số điện tiêu thụ 1 ngày của máy giặt sẽ là: 0,2 kW/h x 2h = 0,4 kW/2h.
Tính ra một tháng số tiền phải trả là: (0,4 kW x 2.500 đồng) x 30 ngày = 30.000 (đồng).
Lưu ý: Bài toán được tính ở mức công suất tối đa mà thiết bị hoạt động, có thể cao hơn nhiều so với công suất hoạt động trung bình trong thực tế.
Tuy nhiên với cách tính cực đơn giản chỉ trong vài phút là chị em có thể biết số tiền mình sẽ mất là bao nhiêu cho các thiết bị điện trong nhà.
Từ số tiền này, chị em có thể chủ động hơn trong việc quản lý việc sử dụng các thiết bị điện. Từ đó bớt bàng hoàng khi nhận hóa đơn điện mỗi tháng.
(Theo Phụ nữ Việt Nam)