Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại mình, và quan trọng hơn, phải quyết tâm và gấp rút đổi mới để xây dựng VN thành một quốc gia hùng mạnh.
Suốt từ đầu tháng 5, dư luận trong và ngoài nước dậy sóng trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, người láng giềng "môi hở răng lạnh" của chúng ta, bất chấp luật pháp quốc tế, mang máy bay, tàu chiến xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Lòng yêu nước quật cường của người Việt Nam lại được thổi bùng lên, trên khắp năm châu bốn biển. Dù còn khác nhau về chính kiến nhưng tất cả người Việt, đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, hay ở nước ngoài, đều chung một ý chí: quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Ai ai cũng trăn trở: "Làm sao để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia?" Nhiều ý kiến cho rằng cách tốt nhất để tự bảo vệ là chúng ta phải tự mạnh lên về mọi mặt. Ý kiến đó thật xác đáng. Đó là cách duy nhất chúng ta có thể tự bảo vệ mình.
Trong thế giới sức mạnh quân sự ngày càng được sử dụng nhiều hơn để thôn tính lãnh thổ hay áp đặt ý chí của nước này lên nước khác, thì không còn cách nào khác là nước nhỏ cũng phải mạnh. Là con cá nhỏ trong đại dương đầy rẫy cá to, muốn không bị cá to nuốt chửng thì cá nhỏ phải có nọc độc, rất độc để cá to phải nể sợ.
Chúng ta không thể trông chờ ai đó ra tay cứu giúp, nước nào đó "động binh" đến ứng cứu nếu xảy ra chiến sự. Nước nào cũng hành xử trên nguyên tắc quyền lợi quốc gia của họ. Nếu ai đến cứu chúng ta, thì chắc chắn chúng ta phải trả cái giá nào đó. Trong lịch sử Việt Nam, các thế lực phản dân cầu nước ngoài tới cứu, kết cục trở thành bù nhìn trong tay ngoại bang. Kể cả dựa vào một nước lớn, vẫn có nguy cơ khi nước lớn thay đổi ưu tiên lợi ích quốc gia, nước nhỏ có thể bị bán đứng.
Trên đảo An Bang - Trường Sa. Ảnh: Kiên Trung |
Các định chế quốc tế, khu vực cũng không hỗ trợ chúng ta được nhiều. Vì những đại diện quốc gia ở các định chế đó, trước hết phải phục vụ lợi ích quốc gia của họ. Những gì đang diễn ra gần đây chứng tỏ điều đó. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần cung cấp thông tin trung thực để dư luận thế giới hiểu rõ bản chất hành động của Trung Quốc và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của chúng ta. Và không còn cách nào khác là tự lực, tự cường.
Trong cả hai cuộc chiến tranh trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn về tinh thần và vật chất của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý khắp năm châu, trên dưới một lòng, muôn người như một, với tinh thần "Tổ quốc trên hết", quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược giành độc lập, tự do.
Sau bao nhiêu năm chiến tranh tàn phá, mấy triệu người Việt đã ngã xuống và đến hôm nay bom đạn vẫn còn rải rác ở nhiều nơi trên đất nước, nên người Việt chúng ta yêu quí hòa bình hơn ai hết. Nhưng chúng ta phải khỏe mới bảo vệ được hòa bình, giữ gìn được độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta yếu, kẻ mạnh sẽ áp đặt ý chí của họ lên chúng ta và buộc chúng ta phải theo luật chơi của họ. Ngay bây giờ đây chúng ta đang cần hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước, đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề. Nhưng người láng giềng lớn hơn đã không cho chúng ta được yên.
Nhân dân Trung Quốc chắc chắn cũng không muốn chiến tranh. Trung Quốc đang xây dựng đất nước; chiến tranh không mang lại lợi ích gì cho họ. Hơn nữa, bản thân Trung Quốc cũng đang phải đương đầu với nhiều vấn đề: bất bình xã hội vì bất bình đẳng do quá trình phát triển kinh tế gây ra, vấn đề dân tộc, vấn đề môi trường, vấn đề an sinh xã hội. Vùng nông thôn rộng lớn còn rất kém phát triển, thậm chí nhiều nơi lạc hậu. Đó là những quả bom nổ chậm ngay trong lòng Trung Quốc.
Bản thân nền kinh tế Trung Quốc cũng còn bấp bênh với các khoản nợ khổng lồ của doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương; sản phẩm của Trung Quốc ngày càng mất uy tín trên thị trường thế giới, và ngay ở Việt Nam. Trung Quốc cũng lệ thuộc rất nhiều vào đầu tư nước ngoài. Chiến tranh chắc chắn sẽ gây ra làn sóng rút vốn của các doanh nghiệp FDI, mà ngay hiện nay đang có xu hướng rút khỏi Trung Quốc vì nhiều lý do.
Chúng ta cũng không nên quá sợ hãi đòn trừng phạt kinh tế nào đó của Trung Quốc. Đúng là nếu xảy ra chuyện đó, ta sẽ gặp một số khó khăn. Nhưng phía Trung Quốc cũng không phải không thiệt hại. Họ cũng cần thị trường để bán hàng, nhất là số hàng rẻ tiền chất lượng kém mà họ đã tạo ra. Họ cũng có lợi ích từ các dự án của họ ở Việt Nam. Chúng ta vẫn còn nguồn lực chưa khai thác hết, hoặc chưa sử dụng hiệu quả. Ví dụ nguồn kiều hối hàng chục tỉ đô la mỗi năm, nguồn tài chính dưới nhiều dạng còn đọng trong dân có thể còn lớn hơn nguồn kiều hối, và nếu chúng ta chấm dứt việc sử dụng lãng phí các nguồn lực thì chúng ta thừa sức bù lại những thiếu hụt do một đòn kinh tế nào đó gây ra.
Hơn nữa, với truyền thống yêu nước sâu đậm, người dân Việt Nam, mà phần lớn đã trải qua chiến tranh, đã chịu đựng gian khổ, hy sinh to lớn, sẵn sàng thắt lưng buộc bụng một lần nữa để xây dựng đất nước vững mạnh, miễn là của cải chung không rơi vào túi bọn tham nhũng.
Cách hành xử của Trung Quốc lần này càng làm cho người Việt Nam hiểu rõ hơn bản chất của họ. Những lời lẽ hoa mỹ, ru ngủ xưa nay được họ dùng để mô tả mối quan hệ láng giềng giữa hai nước đã bị xổ toẹt khi họ ngang nhiên đặt dàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa của Việt Nam được luật pháp quốc tế công nhận.
Họ đã "thăm dò" Việt Nam từ lâu
Tại sao họ chọn thời điểm này? Họ cho rằng thế giới đang bận rộn về nhiều vấn đề lớn ở các khu vực, dư luận quốc tế sẽ không chú ý việc họ làm.
Họ đã nghiên cứu và hiểu chúng ta rất rõ. Họ cho rằng chúng ta đang yếu, không chỉ vì kinh tế đang gặp khó khăn chồng chất, không chỉ vì họ có số máy bay, tàu chiến nhiều hơn ta. Mà chính họ đã thấy những vết rạn trong xã hội của ta.
Hành động của họ lần này là kết quả của một quá trình thăm dò từ lâu, qua những lần "tàu lạ" đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam, leo thang thành các vụ bắn cháy tàu cá, bắt ngư dân của ta trong lãnh hải của Việt Nam... Họ tưởng rằng ta đã nhiều lần "một điều nhịn mong chín điều lành" thì lần này cũng sẽ như vậy. Và cứ như thế họ lấn dần, gặm nhấm lãnh thổ và lãnh hải của ta. Nếu ta không cương quyết đáp trả thì sẽ mãi mãi phải chịu chấp nhận sự ngang ngược ngày càng tăng của họ.
Việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam không mới, và sẽ còn diễn ra dài dài, chừng nào Việt Nam chưa đủ mạnh để chặn đứng bàn tay của họ và thu hồi những thước đất, nước đã mất. Vì vậy chúng ta phải kiên trì và dứt khoát đòi Trung Quốc chấm dứt việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Việc này không thể khoan nhượng.
Đây cũng là lúc nhìn lại dân mình. Qua biến cố này, ta càng thấy rõ: Dân là gốc. Trước nguy cơ chủ quyền quốc gia bị đe dọa, dân ta, thuộc đủ thành phần, tầng lớp, lứa tuổi hừng hực tinh thần yêu nước, "Quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ" bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Đó là nguồn sức mạnh cốt lõi, vô tận và không thế lực nào có thể đánh bại của dân tộc ta trong bất kỳ thời đại nào.
Trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, người Việt Nam lại gạt bỏ những khác biệt, bất đồng, trên dưới một lòng, đoàn kết thành một khối chống trả quyết liệt kẻ xâm lược, giành thắng lợi cuối cùng. Tuyệt đối không có kẽ hở nào, có vết rạn nứt nào để kẻ thù khai thác. Những thế lực nhăm nhe thôn tính Việt Nam bằng cách này, hay cách khác hãy nhớ lấy bài học đó!
Cũng trong cơn nguy biến, người Việt Nam rất bình tĩnh, sáng suốt và đưa ra được những quyết sách mạnh bạo, những thay đổi, cải cách dũng cảm, sâu rộng mang tính đột phá mà trong điều kiện yên bình, thuận lợi không có được.
Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại mình, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, và quan trọng hơn, phải quyết tâm và gấp rút đổi mới để xây dựng Việt Nam thành một quốc gia hùng mạnh, mà sức mạnh đó trước hết phải là sức mạnh tổng hợp của một dân tộc gắn kết, muôn người như một, trên dưới đồng lòng, gạt bỏ lợi ích cá nhân, hy sinh vì nghĩa lớn. VN có pháp lý, có chính nghĩa tạo nên sức mạnh đấu tranh và cùng với đó là xây dựng nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội dân sự.
Xuân Thành (Cán bộ hưu trí, quận Bắc Từ Liêm, HN)