1. Nguyên liệu làm chân gà xốt Thái
- 1 kg chân gà
- 10 quả cóc non
- 20 quả tắc (quất xanh)
- 6 củ sả
- 2 củ tỏi
- 1 nhánh gừng
- 20g nước cốt me
- Dầu ăn
- Gia vị: mắm, muối, đường, tương ớt, ớt bột Hàn Quốc, hạt tiêu
2. Cách làm chân gà xốt Thái chuẩn vị
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Chân gà chần qua nước sôi và ngâm rửa với nước muối rồi rửa lại với nước sạch để khử mùi hôi và làm sạch chân gà. Tiếp đó, cắt chân gà thành khúc vừa ăn.
Tỏi đập dập và băm nhuyễn. Sả thì cắt khúc. Ớt bỏ cuống, rửa sạch và cắt lát. Gừng rửa sạch, thái lát
Cóc mua về gọt vỏ rửa sạch và cắt làm đôi. Tắc chia làm 2 phần, 1 phần vắt lấy nước, 1 phần cắt thành khoanh tròn, bỏ hạt để trộn không bị đắng.
Bước 2: Luộc chân gà
Chuẩn bị 1 nồi nước sôi, cho vào 2 củ sả đã đập dập và vài lát gừng cho nồi nước. Sau đó, cho chân gà vào luộc trong vòng 15 phút.
Tiếp theo, vớt chân gà đã luộc ra và rửa lại với nước sạch vài lần cho hết bẩn. Tiếp đến, cho chân gà vào âu lớn rồi đổ ngập đá vào ngâm 20 phút cho giòn. Vớt chân gà ra và để thật ráo nước.
Bước 3: Làm xốt Thái
Cho vào nồi 150g đường, 150ml nước mắm ngon, 30g tương ớt, 30g ớt bột, 20g cốt me rồi bật bếp nấu sôi.
Khi nước mắm, đường sôi thì cho thêm 150ml nước lọc vào đun sôi. Nấu cho đến khi nước sốt cạn 1 nửa, nước sền sệt lại thì tắt bếp và để nguội.
Bước 4: Trộn chân gà xốt Thái
Chuẩn bị 1 cái âu thật lớn, cho hết chân gà, cóc non, sả, ớt, tắc vào đảo đều. Tiếp đến, rưới nước xốt Thái đã nguội vào, thêm tỏi phi, đảo thật đều lại. Dùng tay trộn cho phần chân gà thấm đều gia vị.
Bước 5: Hoàn thành
Chân gà xốt Thái trộn xong thì để trong ngăn mát tủ lạnh từ 4 - 6 tiếng mới nên ăn để món ăn được giòn, ngon và ngấm đủ gia vị.
Món chân gà xốt Thái đạt yêu cầu có màu đỏ đẹp mắt, thơm mùi sả, tắc. Chân gà rất giòn, không bị ra nước, cóc non sần sật, vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay, mằn mặn vô cùng thơm ngon và đậm đà.
3. Một vài lưu ý khi làm chân gà sả tắc xốt Thái
Để làm chân gà sả tắc xốt Thái ngon, phải chọn được chân gà ngon. Một chiếc chân gà ngon phải đáp ứng những tiêu chí: da trắng hồng, xương đỏ. Khi cầm chân gà trên tay có cảm giác chắc chắn. Bề mặt da của chân gà không có dị tật, không trầy xước...
Chọn cóc có vỏ màu xanh tươi tự nhiên, không bị trầy xước hay chai sần. Hạn chế chọn cóc có vỏ ngả sang màu vàng vì đó là cóc để lâu, đã chín. Cóc khi cầm lên thấy nặng, cứng, chắc tay, có mùi thơm nhẹ đặc trưng. Phần cuống còn nguyên vẹn, dính chặt vào thân, nếu có 1 lớp nhựa xung quanh thì đó là cóc mới hái. Nên chọn những quả cóc còn mới, không chọn cóc để lâu ngày vì sẽ mất đi độ giòn của cóc.
Khi trộn xốt, phải để hỗn hợp nước xốt thật nguội mới trộn vào chân gà và cóc non. Như vậy mới đảm bảo độ giòn ngon cho món ăn.
Điều chỉnh độ mặn, ngọt, cay, chua theo khẩu vị cá nhân.
Chân gà có thể để nguyên, chặt đôi hoặc rút xương tùy theo sở thích.
Khi không thưởng thức hết, bạn nên cho phần chân gà còn thừa vào hộp thủy tinh rồi đậy nắp kín cất vào ngăn mát tủ lạnh. Món chân gà này có thể để khoảng 4 - 7 ngày. Nhưng không nên để quá lâu, chân gà sẽ mất đi vị giòn và hương vị cũng không ngon như lúc mới chế biến.
Cách làm chân gà xốt Thái chua cay như trên đơn giản mà ngon. Chúc bạn thành công!
>>> Xem thêm các công thức món ngon mỗi ngày mới nhất.
Phương Anh (Tổng hợp)