Ngày 8/7, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, cho biết một trường hợp mắc bệnh bạch hầu. trên địa bàn là bệnh nhân là M.T.B (sinh năm 2006), quê ở xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), đang tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa).

Bước đầu, cơ quan chuyên môn xác định, từ ngày 25 đến 28/6, B. và một người bạn cùng quê là M.T.S (sinh năm 2006) ở chung phòng ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn với P.T.C. Rạng sáng 5/7, C. tử vong do mắc bệnh bạch hầu.

Ngày 1/7, B. và S. bắt xe từ huyện Kỳ Sơn về huyện Hiệp Hòa, làm việc tại cơ sở karaoke ở thôn Trung Tâm.

Từ ngày 2 đến 5/7, B. và S. có mặt tại 4 quán karaoke trên địa bàn các xã: Hợp Thịnh, Thường Thắng, Đại Thành (cùng huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) và quán karaoke ở thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).

Bach hau.jpg
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa lấy lẫu xét nghiệm cho trường hợp có nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu cao. Ảnh: Sỹ Quyết.

Qua lấy mẫu xét nghiệm, chiều 7/7, cơ quan chuyên môn xác định B. dương tính với bệnh bạch hầu, được chuyển ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) điều trị.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm của B., Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa, UBND các xã: Hợp Thịnh, Thường Thắng, Đại Thành tiến hành truy vết các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh.

Chiều 8/7, cơ quan chức năng xác định có 15 trường hợp F1, tập trung ở các xã: Hợp Thịnh, Mai Trung, Danh Thắng và Thường Thắng.

Hiện những cá nhân này đã được cách ly, theo dõi sức khỏe. Các nhân viên y tế tiến hành điều trị dự phòng bằng kháng sinh cho những người tiếp xúc gần với B. trong vòng 7 ngày; theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với ca bệnh xác định. 

Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong, ngày 8/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, TP khẩn trương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.

CDC tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, hướng dẫn cách ly kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo tuyến, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới nhằm phát hiện sớm ca bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị sớm.

UBND huyện Hiệp Hòa giao cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn và xử lý môi trường theo quy định.

Ông Phạm Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, cho biết: “Trước mắt, UBND huyện yêu cầu các xã có liên quan tiếp tục rà soát, lên danh sách các trường hợp F1 (nếu còn) để cách ly, điều trị dự phòng. Nếu địa phương nào để sót, lọt dẫn đến bùng phát dịch, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm. Về lâu dài, UBND huyện giao Phòng Y tế chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh bạch hầu nói riêng và các bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn”.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và bùng phát thành dịch. Bệnh này được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có tỷ lệ tử vong cao. Người nhiễm bệnh có thể tử vong trong vòng từ 6 đến 10 ngày nếu không được điều trị kịp thời. Ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%.

Vi khuẩn gây ra bệnh bạch hầu thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh, kháng độc tố bạch hầu và có thể phòng bệnh bằng vắc xin.