Nhật Bản nằm trong 'Vành đai lửa Thái Bình Dương', là nơi phải hứng chịu nhiều trận động đất nhất trên thế giới. Thiệt hại do thảm họa gây ra phải mất hàng năm mới khôi phục lại được. Tuy nhiên, người Nhật luôn kiên trì, từng bước vượt qua, khắc phục hậu quả. Cách làm của họ khiến cả thế giới khâm phục.

dongdat3.jpg
Động đất mạnh 7,6 độ richter xảy ra vào ngày đầu năm 2024

Mới đây nhất, hôm 1/1/2024, trận động đất mạnh 7,6 độ richter làm rung chuyển khu vực Kanazawa, Ishikawa, miền Trung Nhật Bản. Cuộc sống của triệu người đã bị ảnh hưởng, hàng trăm ngàn người phải đi sơ tán. Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm nạn nhân mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Làm cách nào Nhật Bản có thể hạn chế tối đa những thiệt hại do động đất gây ra? Câu trả lời là nhờ các biện pháp chống động đất đã phát triển trong suốt nhiều năm, cũng như cách giáo dục về thiên tai của Nhật Bản. Những điều đó giờ đây đã ăn sâu vào tâm trí của mỗi người dân xứ sở mặt trời mọc.

Thiết kế xây dựng nhà chống động đất

Nhật Bản thực thi các quy định xây dựng nghiêm ngặt về việc phòng chống thiên tai. Mọi ngôi nhà đều phải được thiết kế có khả năng chống chịu được động đất.

Ở cấp độ 1, các ngôi nhà cần chịu được các trận động đất nhỏ. Cấp độ thứ 2 tập trung vào việc chống lại các trận động đất dữ dội, hiếm gặp hơn. Nếu động đất vượt quá mức độ nhất định, thiệt hại về tài sản không thể tránh được. Nhưng mục tiêu tối quan trọng lúc này là ngăn ngừa thiệt hại về người.

dong dat.jpg
Trẻ em học và diễn tập cách đối phó với động đất tại nhà trường

Hệ thống cảnh báo sớm

Nhật Bản tự hào có hệ thống cảnh báo sớm hiện đại. Đây là một thành phần quan trọng trong việc chuẩn bị đối phó với động đất.

Hệ thống thông báo cho người dân từng giây từng phút trước khi xảy ra rung lắc mạnh. Điều này giúp cho mọi người có thể hành động phòng tránh ngay lập tức, theo Wionews.

Điện thoại di động ở Nhật đều được trang bị hệ thống cảnh báo khẩn cấp về động đất, sóng thần. Các đoàn tàu của Nhật Bản, phương tiện quan trọng trong việc đi lại hàng ngày, cũng được lắp thiết bị để tạm dừng ngay khi có động đất, đảm bảo an toàn cho hành khách.

Giáo dục từ nhỏ

Từ khi còn nhỏ, người dân Nhật Bản đã được giáo dục toàn diện về quy trình khi có thảm họa. Các cuộc diễn tập diễn ra thường xuyên. Tham gia các khóa thực hành như diễn tập sơ tán, kiểm tra an toàn là hoạt động bắt buộc với học sinh.

Nhật Bản có nhiều cơ sở học tập trải nghiệm phòng chống thiên tai. Cả người lớn và trẻ em đều có thể tìm hiểu về thảm họa và trải nghiệm các thảm họa mô phỏng.

dongdat1.jpg
Người dân xếp hàng nhận đồ tiếp tế

Bộ dụng cụ sinh tồn

Các hộ gia đình đều chuẩn bị phương án ứng phó khi động đất, nhưng thường không thể thiếu bộ dụng cụ sinh tồn, bao gồm đồ sơ cứu, nước đóng chai, thực phẩm dự trữ, găng tay, khẩu trang, tấm cách nhiệt, các dụng cụ thiết yếu như đèn pin và radio để nhận thông tin cập nhật thường xuyên.

Tất cả những vật dụng cần thiết cho bộ dụng cụ sinh tồn có thể mua ở nhiều cửa hàng khác nhau như hiệu thuốc, cửa hàng Tokyu Hands...

Tại các nơi trú ẩn sơ tán, Nhật Bản lắp đặt các máy bán hàng tự động cung cấp thực phẩm, đồ uống miễn phí. Các máy mang theo khoảng 300 chai nước ngọt, 150 mặt hàng thực phẩm khẩn cấp, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng...

Tính kỷ luật phi thường

Giữa thảm họa, đức tính kỷ luật của người Nhật cũng là điều khiến nhiều người nể phục.

Bên cạnh những hình ảnh về khung cảnh hoang tàn, đổ nát sau trận động đất mạnh 7,6 độ richter, những khoảnh khắc về người dân ở vùng tâm chấn cũng thu hút sự chú ý của thế giới.

Khi động đất xảy ra, nhiều người vẫn bình tĩnh thực hiện đúng cách thức bảo vệ an toàn cho bản thân, sợ hãi nhưng không chạy hoảng loạn.

Hàng dài người, từ người cao tuổi đến người trẻ, đều xếp hàng ngay ngắn bên ngoài tòa thị chính Shika để nhận đồ tiếp tế thiết yếu như nước sạch, thực phẩm. Tại các siêu thị, cửa hàng, người dân bình tĩnh xếp hàng chờ đến lượt vào mua hàng.

Chuẩn bị sẵn sàng cho sóng thần

Nhật Bản nhận thức sâu sắc về nguy cơ sóng thần liên quan đến động đất. Chính quyền đã triển khai xây dựng các biện pháp phòng tránh như các hàng rào ven biển, tường chắn sóng và hệ thống cảnh báo sớm mạnh mẽ. Các biện pháp này hoạt động song song để bảo vệ khu vực ven biển, giảm sự tàn phá của sóng thần.

Khả năng phục hồi sau động đất, sóng thần của Nhật Bản đã hình thành qua nhiều năm lại tiếp tục được thử thách sau trận động đất gần đây.