Nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Vẹn, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế ứng dụng, Trường Đại học Tài chính - Marketing chỉ ra rằng, phát triển công nghiệp bền vững là một xu hướng tất yếu, trong đó, sinh thái công nghiệp (Industrial Ecology - IE) là một phương pháp tiếp cận mới, sự lựa chọn mang tính toàn diện giúp cho các nhà hoạch định chính sách làm công cụ xây dựng chính sách thúc đẩy các chiến lược phát triển công nghiệp bền vững.
Tiếp cận IE trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau là tìm kiếm tối ưu hóa toàn bộ chu trình từ nguyên vật liệu thô đến hoàn thiện nguyên vật liệu, xử lý phế thải cuối cùng.
Tiếp cận hệ IE cho các cấp độ phát triển bền vững phát sinh từ nhận thức toàn diện cận hệ thống, các nghiên cứu công nghiệp cộng sinh (Chertow, 2000; Ehrenfeld & Gertler, 1997), khu công nghiệp sinh thái (Cote & Cohen-Rosenthal, 1998), công nghiệp mạng lưới tái chế (Schwarz & Steininger, 1997) hoặc IE (Korhonen, 2000; Cote, 1995, Korhonen và cộng sự, 2002) đưa ra quản lý hoạt động liên tổ chức và (Sinding, 2000; Roome, 2001) bổ sung, nhưng không thay thế các phương pháp và công cụ quản lý môi trường cũng như chính sách thúc đẩy phát triển toàn diện công nghiệp.
Cách tiếp cận mạng và hệ thống của (Ja¨nicke & State failure, 1990; Ja¨nicke & Weidner,1995) có thể ngăn cản sự dịch chuyển giữa sản xuất và tiêu thụ (Anderberg, 1998), giữa các dạng chất thải khác nhau (Korhonen, 2000; Pento, 1998) hoặc giữa môi trường khác nhau (Ayres, 1994).
Trên thực tế, chính sách môi trường và quản lý công nghiệp đôi khi có thể dẫn đến giải pháp không tối ưu, vấn đề chuyển đổi hoặc kết quả thực thi chính sách không như mong đợi. Khuyến nghị nhà hoạch định chính sách theo cách tiếp cận IE cho phát triển công nghiệp bền vững ở Việt Nam với những nội dung sau đây:
Thứ nhất, tiếp cận IE xác định con đường phát triển bền vững và phát triển lâu dài hệ IE có thể mang lại lợi ích thành công nhất định về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững công nghiệp và nhà hoạch định chính sách phát triển công nghiệp có thể thành công bằng cách cố gắng học hỏi từ con đường này đối với các hệ thống tương tự.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng tất cả các IE đều khác nhau về kinh tế, xã hội, đặc điểm văn hóa và sinh thái, điều này có thể làm cho nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn trong việc so sánh và học hỏi phát triển chính sách (Korhonen, 2002).
Thứ hai, đối với phát triển công nghiệp Việt Nam, mục tiêu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, để đạt được mục tiêu này, TS Nguyễn Văn Vẹn khuyến nghị nhà hoạch định chính sách Việt Nam tiếp cận IE xác định và nâng cấp (tái cấu trúc) các ngành công nghiệp chủ lực.
Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong môi trường kinh doanh với áp lực cạnh tranh gay gắt quy mô toàn cầu như hiện nay đối với các ngành công nghiệp. Cần tập trung xem xét vòng đời của sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp nào có lợi thế cạnh tranh quốc tế, hoạch định chính sách thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động mở rộng công nghiệp đó vươn ra quốc tế hình thành hệ IE quốc tế. Qua đó, IE đảm bảo phát triển bền vững và gia tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu.
Thứ ba, hoạch định chính sách công nghiệp xem xét như là một bộ phận của tự nhiên - Hệ IE chỉ ra rằng các hoạt động công nghiệp không nên được xem xét trong cô lập với thế giới tự nhiên mà là một bộ phận của hệ thống tự nhiên. Vì vậy, trong thực tế hoạch định chính sách phát triển công nghiệp nhà hoạch định chính sách nên xem xét hệ thống công nghiệp như hệ IE hoạt động trong môi trường hệ thống sinh thái tự nhiên hoặc sinh quyển.
Từ đây những khía cạnh của hệ thống công nghiệp, được xem tương tự như hệ sinh thái tự nhiên, về cơ bản bao gồm các dòng vật liệu, năng lượng và thông tin, và hơn nữa dựa vào tài nguyên và dịch vụ do sinh quyển cung cấp qua đó chính sách được tiếp cận chi tiết và được xây dựng toàn diện. Điều quan trọng là nhà hoạch định chính sách phải nhấn mạnh rằng từ 'công nghiệp', trong ngữ cảnh của "Hệ sinh thái công nghiệp", đề cập đến tất cả các hoạt động, tương tác các chủ thể xảy ra trong cả hệ sinh thái.
Chẳng hạn hoạch định chính sách phát triển cho các ngành như công nghệ thông tin, nội dung số, du lịch, nhà ở, dịch vụ y tế, giao thông vận tải, nông nghiệp… cần được tiếp cận xem xét là một phần của hệ thống công nghiệp. Và từ 'sinh thái học', ở đây, được đề cập đến như là một nhận thức toàn diện hệ sinh thái công nghiệp của lĩnh vực ngành.
Thứ tư, hoạch định chính sách công nghiệp dựa trên khoa học hệ thống và tư duy hệ thống - IE là một nhánh của khoa học hệ thống và tư duy hệ thống, là một tập hợp các phần tử liên quan với nhau theo một cách có cấu trúc. Các yếu tố của IE được nhìn nhận như một tổng thể với một mục đích và vai trò khác nhau.
Các yếu tố tương tác trong các ranh giới xác định. Hành vi của một hệ thống không thể được dự đoán bằng cách phân tích các yếu tố riêng lẻ của nó. Các thuộc tính của một hệ thống xuất hiện từ sự tương tác của các phần tử của nó và khác biệt với tính chất của chúng như những mảnh riêng biệt. Hành vi của hệ thống là kết quả của sự tương tác của các yếu tố và giữa hệ thống và môi trường của nó. Các phần tử và thiết lập các ranh giới hệ thống có yếu tố chủ quan trong các hành động.
Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách phát triển phải nắm rõ ràng rành mạch cách thức áp dụng tư duy hệ thống bao gồm nhận thức toàn diện, tư duy ra quyết định sáng tạo (SMART), tổ chức học, hệ thống động lực học, hệ thống công nghệ và mô hình hệ thống khả thi… Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, các hệ thống tư duy có giá trị tức thì, thực tiễn, chính sách phát triển công nghiệp không thể được nghiên cứu tối ưu hóa, vì vậy chính sách cần được linh hoạt, dễ dàng cập nhật, cải tiến liên tục.
Mục tiêu chính của tiếp cận hệ IE là tổ chức lại hệ thống công nghiệp bao gồm tất cả các khía cạnh hoạt động của con người nhằm phát triển công nghiệp theo phương thức tương thích với sinh quyển và bền vững. Chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp theo cách tiếp cận hệ IE được xem là khoa học về tính bền vững, về cách đo lường và khuyến nghị cách thức quản lý tài nguyên và công nghiệp.
Tiếp cận hệ IE hoạch định chính sách phát triển công nghiệp còn được xem là công cụ tái cấu trúc hệ IE với bốn khía cạnh chính:
1) Tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực;
2) Vòng lặp vật liệu đóng và giảm thiểu khí thải;
3) Phi vật chất hóa các hoạt động;
4) Giảm và loại bỏ sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không thể tái tạo. Những lợi thế tiềm năng đạt được thông qua IE và những bất lợi dẫn đến kém hiệu quả hoạt động công nghiệp nếu các nguyên lý của IE không được tuân thủ.
Trong nền công nghiệp hiện đại, bối cảnh thế giới toàn cầu hóa, phương pháp tiếp cận IE quốc gia trở thành hệ IE toàn cầu, TS. Nguyễn Văn Vẹn khuyến nghị nhà hoạch định chính sách Việt Nam cân nhắc lựa chọn cách tiếp cận mới hoạch định chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp Việt Nam bền vững góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Kim Duyên (ghi)