Năm 2024, gia đình ông Phạm Văn Biên, thôn Ngòi Kèn, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái), tiếp tục say sưa với nghề chăn nuôi gia súc, coi đây là hướng giảm nghèo bền vững, giúp gia đình ông tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản khác về y tế, việc làm, nhà ở...
Gia đình ông Biên được hưởng chính sách vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ bước đi này, gia đình ông đã xây dựng hệ thống chuồng trại, có thêm vốn để mua thêm con giống, trồng thêm cỏ làm thức ăn cho vật nuôi. Năm nay, gia đình ông Biên có 8 con trâu, bò, chăn nuôi thêm lợn.
Được hỗ trợ vốn, lại được lãnh đạo địa phương động viên về phương hướng chăn nuôi, ông Biên rất phấn khởi. Mô hình chăn nuôi này sau khi trừ chi phí đem lại cho gia đình nguồn thu từ 30 - 40 triệu đồng/năm.
Tại xã Liễu Đô nơi ông Biên sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn rất thấp so với mặt bằng chung của huyện Lục Yên (4,34% hộ nghèo và 4,26% hộ cận nghèo). Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn xã là 8,6%. Bài học của xã Liễu Đô là kế hoạch giảm nghèo cụ thể, chi tiết với sự tham gia của cả hệ thống chính trị; chủ động rà soát, đánh giá các tiêu chí thiếu hụt của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo để có biện pháp giúp đỡ phù hợp.
Nhờ bước đà và bài học từ các năm, năm 2024, xã phấn đấu giảm 22 hộ nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo về 2,5%; giảm 2 hộ cận nghèo, đưa tỷ lệ hộ cận nghèo về 4,08%. Tỷ lệ nghèo đa chiều là 6,58%. Xã cũng đặt chỉ tiêu tạo việc làm cho 114 lao động, đào tạo nghề cho 100 lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động cho 32 người.
Trên toàn huyện miền núi Lục Yên, không chỉ xã Liễu Đô mà nhiều địa phương cũng chia sẻ kinh nghiệm giảm nghèo bằng cách chủ động xem xét, xác định và lập danh sách các hộ nghèo có khả năng thoát nghèo trong năm 2024. Các kế hoạch được đặt ra dựa trên kết quả rà soát nguyên nhân nghèo, tiêu chí thiếu hụt của từng hộ, có phương án ưu tiên nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đối với những hộ có khả năng thoát nghèo, sau đó phân công, gắn trách nhiệm tới từng thôn, bản, cá nhân...
Nhờ cách làm bài bản trong thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ giảm hộ nghèo tại huyện Lục Yên rất ấn tượng, luôn đạt và vượt xa kế hoạch. Riêng năm 2023, huyện còn hơn 2.200 hộ nghèo (7,6%), hộ cận nghèo còn 1.955 (6,74%), tỷ lệ nghèo đa chiều toàn huyện là 16,33% (năm 2022 là 23,01%).
Trong năm 2024, huyện Lục Yên phấn đấu giảm 4,8% tương đương với 1.389 hộ nghèo. Nếu đạt được mục tiêu này, cuối năm nay huyện Lục Yên chỉ còn 816 hộ nghèo, tương đương tỷ lệ 2,8%. Ngay từ đầu năm, huyện vào cuộc triển khai nhiều giải pháp giúp người thoát nghèo bền vững.
Tại Lục Yên, công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị, không cá nhân, tổ chức nào đứng ngoài cuộc, và "không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, phong trào chung tay vì người nghèo của huyện nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực của các ban, ngành, cơ quan. Theo đó, năm 2024, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên, được hỗ trợ, giúp đỡ bởi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái.
Tháng 5, đoàn công tác của Cục phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức trao kinh phí hỗ trợ và trao quà cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, 25 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ kinh phí để chăn nuôi; 50 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ yếu thế cũng được trao các suất quà. Đây là hoạt động thiết thực, không chỉ là khẩu hiệu mà là những hành động cụ thể, ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc. Điều này thể hiện ý thức trách nhiệm đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với cộng đồng và xã hội.
Chia sẻ bù đắp chiều thiếu hụt về nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, năm nay huyện Lục Yên có kế hoạch sửa chữa, xây mới nhà ở cho 186 hộ. Đến nay, đã có gần 100% nhà được khởi công, tính tới tháng 8, huyện hoàn thành 116 nhà. Huyện phấn đấu trong tháng 10 sẽ hoàn thành kế hoạch. Năm 2023, số hộ nghèo được hỗ trợ xây sửa nhà là 237.
Năm 2024, các dự án, tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 được huyện triển khai tích cực, như đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Các chương trình can thiệp góp phần tạo sinh kế, việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, xóa nhà dột nát, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con nhân dân.